Thị trường bất động sản tăng giá từ 5-6% bất chấp dịch Covid-19 là đề tài "nóng" được đưa ra thảo luận trong suốt 2 quý vừa qua. Theo dự báo của các chuyên gia, tình trạng giá bất động sản tăng vẫn chưa dừng lại và tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới.
Để hiểu rõ hơn về những tác động khiến giá bất động sản liên tục tịnh tiến, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, BP. Nghiên cứu và Tư vấn TP.HCM, CBRE Việt Nam.
Thưa bà, nguyên nhân tăng giá bắt nguồn từ nguồn cung trên thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp từ đầu năm tới nay đang rất khan hiếm. Những số liệu mới nhất cho thấy thực tế ra sao?
Trong quý 3, lượng căn hộ chào bán mới được cải thiện so với quý trước, nhưng nhìn chung tổng lượng căn chào bán trong chín tháng vẫn thấp hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại tại Việt Nam trong tháng 8 vừa qua, tính chung trong quý 3 chỉ có bốn dự án được chào bán một phần với 3.964 căn (tăng 141% so với quý trước và giảm 70% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, gần 90% nguồn cung chào bán đến từ giai đoạn tiếp theo của dự án Vinhomes Grand Park có tên là The Origami.
Giá bán tại các phân khúc phần lớn giữ ổn định so với quý trước, tuy nhiên mặt bằng giá hiện tại đã cao hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, việc cung sụt giảm là vấn đề đã được nhắc tới từ năm ngoái, đặc biệt, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nguồn cung căn hộ đã xuống mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân bắt nguồn từ lực cầu quá lớn, tỉ lệ hấp thụ tốt hay vì lý do nào khác (về quy định, chính sách, thủ tục hay từ năng lực của chủ đầu tư,...) thưa bà?
Theo quan sát của chúng tôi nguồn cung sụt giảm tại TP.HCM một phần đến từ việc chậm cấp phép dẫn đến số lượng các dự án mới trên thị trường sụt giảm. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến các biện pháp phòng ngừa làm gián đoạn hoạt động bán hàng.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, BP. Nghiên cứu và Tư vấn TP.HCM, CBRE Việt Nam
Nguyên nhân dẫn tới nguồn cung sụt giảm như trên đã được giải quyết chưa. Trong tương lai ngắn hạn, bà đánh giá thị trường có sự thay đổi gì về số lượng sản phẩm bán ra không?
Các vấn đề về khan hiếm nguồn cung dự kiến sẽ kéo dài ít nhất là đến hết nửa năm 2021, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường.
Nếu vẫn tiếp tục như hiện tại, điều gì sẽ xảy ra, thưa bà?
Dự báo nguồn cung chào bán tại TP.HCM sẽ được cải thiện dần trong quý 4/2020 và đạt khoảng 15.000 căn cho cả năm, nhưng giảm 43% so với năm 2019.
Sản phẩm trung cấp và cao cấp (có mức giá từ 1.000-4.000 USD/m2) đang chiếm tỷ trọng cao với lượng nhỏ nguồn cung từ phân khúc hạng sang. Về khu vực, phía Đông sẽ tiếp tục là các điểm nóng của thị trường, với nhiều dự án mới tại khu vực Quận 2 và Quận 9.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khan hiếm nguồn cung đã khiến giá bán trung bình hiện nay tại thị trường sơ cấp TP.HCM ở mức 1.966 USD/m2, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo mới đây của The Economist, giá BĐS trên thế giới đang có xu hướng tăng nhanh bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Còn tại Việt Nam, nguồn cung sụt giảm có phải là nguyên nhân chính khiến giá bất động sản đang tăng theo chiều hướng mạnh hơn cả thị trường Thế giới không?
Giá bất động sản tại Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng tăng vì nhiều lý do, có thể kể đến như: Khan hiếm nguồn cung, quỹ đất phát triển thu hẹp, giá đất phát triển dự án tăng ảnh hưởng đến tổng chi phí đầu tư của các dự án mới, môi trường kinh tế vĩ mô mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn khá lạc quan so với các nước khác trong khu vực, lãi suất vay vẫn giữ ở mức thấp.
Hiện nay, một vài dự án mặc dù giá tăng nhưng vẫn được thị trường đón nhận tốt vì lịch thanh toán được kéo giãn, lên đến vài chục năm, có thể nhận nhà khi chỉ thanh toán từ 15-30% tổng giá trị căn nhà.
Xin chân thành cảm ơn Bà!
Theo Lan Nhi (CafeF)