Do thị trường bất động sản vẫn gặp vướng về quỹ đất, tài chính và pháp lý nên giá sản phẩm có xu hướng tăng dần. Để cải thiện nguồn cung cho phân khúc bình dân, cần những chính sách hỗ trợ từ chính phủ để tháo gỡ những nút thắt của thị trường.
Tại báo cáo "Thị trường bất động sản 2022 và tầm nhìn 2023" do Savills Việt Nam công bố ngày 29-11, TS Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam - cho biết hiện thị trường bất động sản vẫn đối mặt với bốn khó khăn chính.
Do nguồn cung hạn chế, các sản phẩm bất động sản mới trên thị trường chủ yếu có giá trị cao - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN
Thứ nhất, vấn đề nguồn cung hạn chế, các sản phẩm mới trên thị trường chủ yếu có giá trị cao.
Thứ hai, khó khăn về tài chính khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tăng cao.
Thứ ba, ở góc độ phát triển dự án, tình trạng tắc nghẽn pháp lý diễn ra trong thời gian dài gây khó khăn cho nguồn cung thị trường, ảnh hưởng đến phương án tài chính của chủ đầu tư dẫn đến giá thành tăng.
Thứ tư, quỹ đất phát triển dự án rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển dự án mới của các chủ đầu tư.
Theo ông Khương, do thị trường bất động sản vẫn còn những vấn đề như quỹ đất hạn chế, vấn đề tài chính và pháp lý, dẫn đến giá trị sản phẩm bán ra có xu hướng tăng dần.
Do đó, để nguồn cung hạng C (phân khúc bình dân) được cải thiện, cần những chính sách hỗ trợ từ chính phủ trong việc giải quyết, tháo gỡ những nút thắt này trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Khương cho rằng cần hỗ trợ bổ sung quỹ đất mới, hỗ trợ về nguồn vốn và pháp lý, từ đó thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp với phân khúc giá bình dân dù biên lợi nhuận chỉ đạt ở mức thấp.
Nhìn nhận về những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay, ông Khương cho rằng thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.
"Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới, những nút thắt này sớm được tháo gỡ.
Từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân, giúp họ có thể tiếp cận với ước mơ sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý hơn", ông Khương nhấn mạnh.
Đối với thị trường bất động sản 2023, ông Khương cho rằng nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Đối với những dự án dở dang, ông Khương cho hay cần phải được giải ngân để tiếp tục xây dựng, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường, không làm khó người mua.
Theo ông Khương, những dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý, đủ điều kiện để đi vay và hoàn thành thì cần cân nhắc trong việc cho vay vốn đầu tư. Bên cạnh đó, ông Khương cũng gợi ý các chủ đầu tư cần bổ sung nguồn vốn từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.
Theo Ngọc Hiền (tuoitre)
Các tin khác