Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, trao đổi cụ thể với Công ty CP Tập đoàn Apec Group về đề xuất xây dựng 6 - 10 triệu căn nhà ở xã hội trong 10 năm tới của doanh nghiệp này.
Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Apec Group (Tập đoàn Apec) đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội thông qua việc xây dựng 6 - 10 triệu căn hộ cho các đối tượng an sinh xã hội trong giai đoạn 2021 - 2031.
Đây là một mục tiêu khá tham vọng, bởi trong chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu xây dựng khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội nhưng khả năng khó đạt được.
Tính đến hết năm 2020, sau gần 10 năm phát triển nhà ở xã hội, cả nước có 254 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, tương đương 108.800 căn, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2 nhà ở, đạt 43% mục tiêu đề ra.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng 6 - 10 triệu căn nhà ở xã hội trong những năm tới, Tập đoàn Apec kiến nghị Thủ tướng hàng loạt giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch các đô thị nhà ở xã hội quy mô lớn, quy hoạch phải có sự đồng bộ và kết nối với hạ tầng kỹ thuật với đô thị trung tâm, khu công nghiệp bằng các tuyến giao thông công cộng thuận lợi.
Trong đó, TP.HCM và Hà Nội, mỗi địa phương cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000ha để làm các khu đô thị nhà ở xã hội rộng 50 - 300ha.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đặt mục tiêu phát triển 10 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 2 - 4 triệu căn, giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành thêm 4 - 6 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Cho phép doanh nghiệp được chuyển đổi đất khu công nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất nông nghiệp sang mục đích đất để đầu tư khu đô thị nhà ở xã hội.
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tách dự án nhà ở xã hội ra khỏi trần cho vay bất động sản vì đây là nhóm sản phẩm rủi ro thấp, nhu cầu lớn, không tạo nguy cơ gây bong bóng bất động sản.
Về nguồn vốn đầu tư xây dựng 6 - 10 triệu căn nhà ở xã hội những năm tới, Tập đoàn Apec cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội có thể IPO (niêm yết) trên thị trường chứng khoán để huy động vốn làm nhà ở xã hội. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được vay vốn giá rẻ từ các định chế tài chính nước ngoài như World Bank, IFC.
Ông Nguyễn Quang Huy - phó tổng giám đốc Tập đoàn Apec - cho biết nếu nhận được sự ủng hộ từ các bộ, ngành, tập đoàn sẽ là đơn vị tiên phong đầu tư các khu nhà ở an sinh xã hội 5 sao với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí:
Chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, thông minh, tiện ích đầy đủ. Diện tích các căn hộ nhà ở xã hội từ 25 - 75m2, giá bán các căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM từ 13 - 16 triệu đồng/m2, các tỉnh khác sẽ rẻ hơn từ 9 - 14 triệu đồng/m2.
Với quỹ đất đang được các địa phương giao phát triển nhà ở, khu công nghiệp, Tập đoàn Apec cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi 60 - 100ha tại Cần Thơ, 50ha tại Khu công nghiệp Điềm Thụy B (Thái Nguyên), 200ha tại Hải Phòng để xây dựng các khu nhà ở xã hội.
"Tại Hà Nội, Tập đoàn Apec cũng đang được thành phố giao nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội, với tổng diện tích khoảng 304,64ha, tại các khu vực Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì", ông Huy cho biết thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Xuân Dũng - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết bộ đã có văn bản trả lời doanh nghiệp. Tinh thần bộ sẽ tiếp thu các đề xuất của doanh nghiệp, nhưng các con số đề xuất của doanh nghiệp thiếu cơ sở dữ liệu, không cụ thể.
Về nguyên tắc, bộ ủng hộ doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nhưng phải nêu rõ phát triển dự án nào, tiến độ sao và huy động tiền đâu để làm, không nói chung chung được.
Theo Bảo Ngọc (tuoitre)
Các tin khác