Đây là câu hỏi được không ít người đặt ra, khi mà thị trường chứng khoán đang tăng điểm, còn bất động sản cũng trở lại với những điểm nóng cục bộ.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh khiến lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, nhiều kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn thì bất động sản và chứng khoán lại trở thành nhưng kênh kiếm tiền tỷ của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư F0 mới vào thị trường cũng thắng đậm.
Trên thị trường chứng khoán, năm 2020 nhà đầu tư đã đẩy dòng tiền tăng mạnh gấp 3 lần so với năm ngoái. Đáng chú ý, lượng nhà đầu tư F0 đã giúp thị trường sôi động hơn bao giờ hết. Các chuyên viên môi giới cho biết từ những năm 2007-2008, thị trường chứng khoán mới sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư như vậy. Nhiều người chưa biết gì về chứng khoán nhưng cũng rất hào hứng tham gia đầu tư và thu lời lớn.
Các cổ phiếu đứng đầu về thanh khoản mỗi phiên liên tục ghi nhận khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu đơn vị. Không chỉ nhóm cổ phiếu dưới mệnh giá mang tính đầu cơ, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30 cũng ghi nhận kỷ lục về khối lượng giao dịch trong năm 2020. Đỉnh điểm, chỉ số VN-index đã chạm đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Trong bối cảnh đó, thị trường BĐS cũng tăng giá mạnh mẽ ở hàng loạt khu vực. Cụ thể, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức…đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m², tăng so với năm 2019 khoảng 50%. Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019.
Báo cáo về thị trường BĐS mới đây của Bộ Xây dựng cũng khẳng định, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25 – 30 triệu/m2 tăng 50% so với năm 2019; các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30% so với năm 2019.
Thực tế, số lượng nhà đầu tư F0 vào thị trường BĐS năm 2020 chiếm trên 30% lượng nhà đầu tư toàn thị trường. Nhiều người thắng đậm, lãi tiền tỷ chỉ sau vài tháng đầu tư vào đất đô thị các khu đô thị khu vực Hoài Đức, Hòa Lạc, Hòa Bình, Bắc Ninh..
Với những diễn biến vô cùng tốt trên thị trường chứng khoán và BĐS trong năm 2020 khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi năm 2021 nên đổ tiền vào đâu, chứng khoán hay bất động sản?
Trao đổi với chúng tôi, anh Cường một nhà đầu tư ỳ cựu trên thị trường trên thị trường chứng khoán và BĐS cho biết năm 2021 cơ hội trên thị trường BĐS và chứng khoán vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhà đầu tư phải biết chọn sản phẩm thích hợp.
Giải thích thêm vào quan điểm này anh Cường cho biết, đầu tư chứng khoán có ưu điểm là vốn ít, lãi nhanh nhưng mất cũng nhanh, một khi chứng khoán giảm mạnh nhà đầu tư có thể rơi vào tình trạng tay trắng, tài sản bốc hơi. Đã có rất nhiều người giàu nhanh từ chứng khoán nhưng cũng mất cả vài tỷ vì chứng khoán chỉ trong vài ngày.
"Đặc điểm trên thị trường chứng khoán là lên nhanh và xuống cũng nhanh. Năm 2020 và đầu năm 2021 thị trường đã tăng lên đến mức đỉnh kỷ lục. Vì thế, năm 2021, việc giữ ổn định được mức tăng từ cuối năm 2020 vẫn là thách thức", anh Cường cho biết.
Đối với bất động sản, nguồn vốn đầu tư ban đầu tuy lớn nhưng thị trường có sự vững chắc hơn. Bất động sản là tài sản có giá trị, dễ lên nhưng khó xuống. Điều này đồng nghĩa với việc, hiếm khi nhà đầu tư mất hết khi thị trường giảm tốc. Trong suốt 10 năm qua, kinh nghiệm cho thấy ngay cả lúc thị trường ảm đạm, giá nhà đất nhìn chung không giảm nhiều, thậm chí ở giữ giá chờ lúc thị trường ấm tiếp tục tăng.
"Năm 2021, bất động sản đặc biệt là đất nền trong các khu đô thị pháp lý đầy đủ, hạ tầng tốt vẫn là những kênh đầu tư sinh lời cho nhà đầu tư. BĐS nghỉ dưỡng hay căn hộ cho thuê sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn mới có triển vọng tăng giá", anh Cường cho biết.
Được biết, trước đó ông Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản trong năm 2021.
"Năm 2020, chứng khoán đang tạm thời thắng thế so với bất động sản. Năm 2020, các ngân hàng vẫn báo lãi lớn nhưng đến 2021, họ mới thực sự ngấm đòn từ dư nợ, khó khăn trong huy động và cho vay. Do đó, ai nắm chứng khoán ngân hàng thì sau Tết Nguyên đán nên bán ngay đi. Sau quý I/2021, chứng khoán sẽ 'sập', bất động sản lên ngôi. Nếu mua đất, giá có hạ thấp thế nào thì nó vẫn là đất. Người đẻ ra thì đất lại lên giá. Còn chứng khoán, đã bong bóng rồi thì chỉ còn giấy thôi", ông Hưởng cho biết.
Ông cũng nhắn nhủ với các cá nhân, doanh nghiệp: "Trong giai đoạn này, ai vay được ngân hàng thì nên vay luôn đi, vay mua nhà, mua đất. Bởi không bao giờ lãi suất cho vay thấp hơn nữa".
Ông Hưởng đặt nhiều niềm tin, cho rằng bất động sản sẽ thắng thế trong cuộc đua sinh lời với chứng khoán, đồng thời chỉ đích danh những phân khúc hấp dẫn. Thứ nhất, bất động sản vùng ven Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh ngoại thành sẽ lên ngôi bởi ngủ rất lâu rồi nên bật dậy sẽ rất nhanh. Thứ hai, đất Long Thành, Đồng Nai, Quận 9, Thủ Đức và những nơi được định danh là "đặc khu" sẽ là "vua" 5 năm tới.
Đồng thời, ông Hưởng cũng cho rằng hậu Covid, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi, ở cả vùng biển và vùng núi. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp dù rất hấp dẫn, nhiều tiềm năng tăng trưởng do xu hướng dịch chuyển nhà máy nhưng cũng chịu rủi ro từ vấn đề chính trị, kinh tế trong và ngoài nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng cho biết những dự án đồng bộ về hạ tầng, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt sẽ trở thành lực hút, đầu tư BĐS sẽ lan rộng ra những khu vực vùng núi, giá BĐS năm 2021 dự báo tăng 10% năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ mức 2020 sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn.
Còn theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group giá BĐS năm 2021 sẽ tiếp tục tăng. Nhà đầu tư nên đổ tiền mua vào. Giá BĐS là cuộc "kết hôn" giữa cung và cầu. Trong khi nguồn cung rất khan hiếm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường bằng những thương vụ trị giá lên đến hàng tỷ đô tại Hà Nội và TPHCM. Cùng với đó về cầu, nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường còn vượt con số 30% như các nghiên cứu được công bố.
"Đặc biệt, hiện nay những "tay to" đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TPHCM đang ở trạng thái bảo toàn vốn. Họ đã lãi lớn và rút khỏi những thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ trước khi thị trường lao dốc. Nguồn vốn của họ đang rất nhiều và chờ chực đầu tư tiếp", ông Tuyển nhận định.
Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị
Các tin khác