Nếu vì lý do nhiều doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, lừa đảo khách hàng để mở rộng vùng cấm phân lô bán nền thì rất dễ bị dư luận cho rằng, đây chính là biểu hiện của tư duy “không quản được thì cấm".
Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện mở rộng phạm vi cấm phân lô bán nền mà Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất Chính phủ trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
Cơ quan chức năng hãy rà soát lại tất cả các dự án, quy hoạch và có hướng xử lý cụ thể; mạnh tay loại bỏ những quy hoạch kéo dài đã giao đất nhưng không thực hiện. Ảnh minh họa Anh Quân
Đề xuất này được cho là xuất phát từ thực trạng thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, thậm chí lừa đảo, điển hình là vụ doanh nghiệp Alibaba ở các tỉnh phía Nam. Giới kinh doanh bất động sản lo lắng, người dân càng khó tiếp cận đất ở.
Thực tế, nhiều đối tượng xấu làm dự án “ma” phân lô bán nền với giá rẻ, cam kết lợi nhuận cao nếu sang nhượng lại đã lừa được nhiều người. Nhiều chủ dự án “ma” còn tìm đến những khoảnh đất có diện tích lớn mà không cần quan tâm đó là đất ở, đất hoa màu, đất nông nghiệp hay đất trồng cây lâu năm, rồi đưa ra những lời hứa hẹn với khách hàng.
Thậm chí, một lô đất còn bán cho nhiều người dưới hình thức góp vốn, cam kết giao đất trong vòng vài tháng, sau đó các đối tượng lừa đảo trả mặt bằng và bỏ trốn. Phần lớn trong các trường hợp này, giá đất đưa ra thường rẻ.
Có một thực tế, tại những thành phố lớn thu hút nhiều lao động theo dòng chảy việc làm, phần lớn thu nhập trung bình trở xuống nên khó sở hữu nhà hay đất ở hợp pháp. Nhiều người thấy đất bỏ hoang lâu năm vì vướng dự án treo nhưng không thấy điều chỉnh, cấp thiết tìm chỗ ở cũng liều mua với giá rẻ làm nhà tạm. Nhiều người cả tin đã bị lừa mất trắng tài sản tích cóp trong nhiều năm, lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần.
Quay trở lại với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, ta có thể thấy kinh tế trong nước đang giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19, do đó chúng ta cần tập trung hỗ trợ để phục hồi kinh tế, đồng thời cần cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề đưa ra nhằm tránh những tác động xấu để lại nhiều hệ lụy.
“An cư lạc nghiệp” có lẽ là mối quan tâm hàng đầu và là ước mơ với số đông tầng lớp lao động. Nhưng mua một lô đất, một căn nhà dù nhỏ hay một căn hộ chung cư giá rẻ cũng hơn cả tỉ đồng. Đó là số tiền quá lớn so với đồng lương hiện nay của số đông công nhân, lao động nghèo. Nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập trung bình trở xuống thì quá hiếm hoi.
Thực trạng vùng ven tại nhiều thành phố lớn là thừa đất nông nghiệp, thiếu đất ở. Nhiều dự án quy hoạch treo lâu năm vẫn còn ở trên giấy. Tại TPHCM, một chủ tịch huyện vùng ven cho biết, mỗi năm dân số trên địa bàn huyện tăng hơn 30.000 người nhưng hàng loạt dự án nhà ở chưa triển khai. Hiện huyện đang kiến nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Trường hợp, siết chặt hoặc mở rộng phạm vi cấm phân lô bán nền càng khiến cho đất ở có giấy tờ hợp pháp khan hiếm, đẩy giá lên càng cao, đồng nghĩa người lao động càng khó với tới. Đặc biệt với khu vực nội thành, nhà đầu tư “đỏ mắt” tìm đất để lập dự án xây dựng, dẫn đến giá thuê mặt bằng tăng cao, kinh doanh khó khăn, ảnh hưởng môi trường đầu tư.
Nhìn ở góc độ khác, siết chặt hoặc mở rộng phạm vi cấm phân lô bán nền cũng là định hướng thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng các dự án nhà xã hội, nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, chung cư cao tầng, tiết kiệm quỹ đất. Song với thực trạng hiện nay, cả nước còn rất nhiều vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên trong nhiều năm, kể cả ở các thành phố lớn.
TPHCM có diện tích rộng lớn khoảng 2.100km2, mật độ xây dựng chủ yếu tập trung nơi nội thành ngoại thành và vùng ven còn rất nhiều đất trống mà nhất là ở các huyện Chủ Chi, Hóc Môn, Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ… Riêng huyện Củ Chi là vùng đất đầy tiềm năng khai thác kinh tế, có diện tích gần 500km2 bằng 1/4 tổng diện tích của thành phố nhưng dân số chỉ chừng 400.000 người (bằng 3 phường trong nội thành).
Thay vì siết chặt hoặc mở rộng phạm vi cấm phân lô bán nền, hãy quản lý tốt hơn bằng cách chấn chỉnh trật tự kỷ cương và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có chỗ ở hợp pháp. Mấu chốt vấn đề là ở đây, một khi được hóa giải thì các trở ngại khác cũng tự tháo gỡ.
Cơ quan chức năng hãy rà soát lại tất cả các dự án, quy hoạch và có hướng xử lý cụ thể; mạnh tay loại bỏ những quy hoạch kéo dài đã giao đất nhưng không thực hiện; thu hồi các dự án thiếu khả thi không có cơ sở triển khai để tạo điều kiện cho người dân ở đó xây nhà ở hợp pháp.
Ngoài ra, đất ở và nhà ở cần quy hoạch phù hợp với mức độ tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế; nên chăng có thể chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở sao cho người nghèo có thể mua xây nhà và tránh đầu cơ đẩy giá lên cao.
Không chỉ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, hoạt động được phân lô bán nền cũng góp phần đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, phục vụ chỗ ở hợp pháp cho người dân. Cơ quan chức năng chỉ siết chặt hoặc cấm phân lô bán nền tại một số khu vực có thể ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, giao thông, ngập nước, nơi có yêu cầu cao về kiến trúc.
Nếu vì lý do xuất phát từ tình trạng có nhiều doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, lừa đảo để siết chặt hoặc ngăn dự án phân lô bán nền thì dư luận có thể cho rằng, đây là biểu hiện sự bất lực trong quản lý khi chọn cách xử lý dễ nhất với tư duy “không quản được thì cấm".
Theo Trần Văn Trường (thoibaosaigon)
Các tin khác