Sau câu chuyện Alibaba, nhiều dự án 'ma', dự án 'bán lúa non' vỡ lở, nghề môi giới bất động sản đang gặp khó khăn hơn giữa vàng thau lẫn lộn.
Gạn đục khơi trong thị trường này theo hướng nào? Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu góc nhìn bạn đọc về vấn đề nghề này.
Trụ lại với nghề, khó thật!
Thời sốt đất, nghề môi giới bất động sản là nghề hấp dẫn vì thị trường mua - bán sôi động từng ngày, từng giờ, thu nhập khá với người có khả năng. Tham gia làm nghề này có cả cử nhân, công nhân, người chuyên buôn bán đến cả công chức, giáo viên, sinh viên...
Giờ, tình hình chung, ai cũng khó khăn. Nhiều người làm nghề mấy năm, thu nhập ổn nay cũng định bỏ nghề. Chào bán đất nền dự án, đã cho khách xem sơ đồ quy hoạch 1/500, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải thích cặn kẽ, chứng minh rằng dự án của mình đủ pháp lý giao dịch vẫn khó thuyết phục khách.
10 năm qua chưa có lần nào thị trường bất động sản phải lao đao, khách hàng mất niềm tin nặng nề như lần này. Nhiều công ty kinh doanh, môi giới bất động sản và nhân viên ở đó đều khó trăm bề khi tìm khách hàng.
Môi giới bất động sản là một nghề. Ai yêu nghề này sẽ không chấp nhận chuyện ra một đàng bán một nẻo, lừa dối khách hàng để kiếm lợi. Nhiều đồng nghiệp của tôi chọn uy tín cá nhân và uy tín công ty làm đầu để ổn định lâu dài, không chụp giật, lôi kéo khách và trung thực với khách về thông tin dự án.
Khách hàng đặt niềm tin trọn vẹn vào nhân viên môi giới (nhất là những khách không đủ thông tin về sàng lọc đúng sai). Vì thế, các doanh nghiệp và nhân viên môi giới phải tự tạo cho mình một niềm tin riêng để ổn định dài lâu với nghề.
Nhân viên kinh doanh bất động sản khi quyết định lựa chọn theo nghề phải hiểu rõ về dự án. Nếu thấy dự án bất ổn, cần thiết phải kiên quyết không tham gia để giữ uy tín cá nhân, được không?
Một ví dụ từ vụ Alibaba, nhân viên kinh doanh có sống thanh thản được không khi chính mình bằng nhiều cách "kéo" khách hàng vào mớ bòng bong gọi là đầu tư vào các "dự án ma", trong đó có nhiều người thân quen của mình?
Nhiều đồng nghiệp của tôi từng băn khoăn: nếu thẳng thắn nói không với những dự án chưa đủ pháp lý tức là chấp nhận nghỉ việc. Nhưng nếu có khả năng làm việc đàng hoàng, giữ được niềm tin cá nhân từ phía khách hàng, họ vẫn sống rất tốt từ nghề này ở một công ty đàng hoàng khác.
ĐỊNH DƯƠNG (Bình Dương)
Quản chuyện bán đất nền
Tôi rất bất bình với những người, công ty môi giới lừa dối khách hàng, thông tin khác xa thực tế, làm mất thời gian, gây ngán ngẩm. Rao bán đất TP.HCM thành ra Bà Rịa - Vũng Tàu, ra Bình Dương lại chở khách đến Bình Phước... rồi chèo kéo khách đặt cọc, ký hợp đồng.
Một lần tôi đi xem đất dự án, khi khách hàng muốn được cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ trương chấp thuận đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, thỏa thuận cho phép đấu nối hạ tầng giao thông và điện nước, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500... nhân viên tư vấn chỉ hẹn "sẽ gửi khách hàng xem sau".
Tôi dùng điện thoại lên mạng tìm hiểu thông tin, liên hệ chính quyền địa phương và được biết trên địa bàn chưa có dự án bất động sản nào được chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau đó, có cán bộ địa chính đến kiểm tra lập biên bản, những người tự xưng chủ dự án phải trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng.
Những người làm ra dự án "ma" thường chào bán giá rẻ, cam kết lợi nhuận cao nếu sang nhượng lại. Một số nhân viên môi giới nhà đất với mục tiêu hàng đầu là... chốt hợp đồng rồi nhận tiền hoa hồng, lắm khi đưa ra các thông tin sai lệch nhằm lôi kéo nhiều người mua đất, kéo theo chuyện này là bao người mất tiền, nợ nần vì mua đất theo lời người môi giới.
"Dự án ảo" có ở nhiều tỉnh thành, vùng xa, vùng ven. Những trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi bán "dự án ma" không chỉ là bài học cho người đi mua đất, mà còn là chuyện của các cơ quan quản lý nhà nước.
Không chỉ công khai thông tin các dự án mà còn quản lý cả kiểu mua bán đất nền, chỉ khuyến khích những người làm ăn chân chính, những giao dịch đúng pháp luật. Cần xử lý đúng mức các trường hợp bán đất kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó", đăng tin sai lệch trong hoạt động môi giới nhà đất.
ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)
2 cái thiếu của nhân viên môi giới bất động sản
Từ năm 2018, TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản để kiểm soát hiện tượng thất thoát tài sản nhà nước tại các dự án bất động sản, siết chặt pháp lý đối với các dự án mới. Đây là một giải pháp đúng đắn cho thị trường bất động sản TP.HCM. Tuy nhiên, cũng vì điều này mà nguồn cung bất động sản tại thành phố này sụt giảm đáng kể so với nhu cầu của thị trường.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đua với các dự án "ma" về các tỉnh. Trong đó có vụ khách hàng bị chiếm dụng vốn (như vụ Công ty địa ốc Alibaba), hay các doanh nghiệp "bán lúa non", huy động vốn trái phép khi dự án chưa hoàn tất pháp lý... Thị trường kinh doanh bất động sản đang có diễn biến theo chiều hướng tiêu cực và người chịu thiệt thòi luôn là khách hàng gặp phải các doanh nghiệp gian dối.
Bất động sản có giá trị cao và lợi nhuận kinh doanh cũng rất lớn. Bất chấp pháp lý để làm giàu, đạo đức nghề nghiệp của ngành nghề này đang xuống cấp trầm trọng, gây hệ lụy nhức nhối trong xã hội.
Hiện nay, lực lượng môi giới trong các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc làm ăn chộp giật chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, lực lượng môi giới địa ốc này không có đủ kiến thức về bất động sản. Họ còn rất trẻ và có thể bị lãnh đạo doanh nghiệp "dụ dỗ", "ru ngủ".
Nhóm thứ hai, không nhiều nhưng lại bán hàng rất nhiều. Những người này có thể biết mình đang lừa dối khách hàng, nhưng vì hoa hồng quá hấp dẫn nên không từ thủ đoạn lừa đảo nào. Nhóm này chưa được đào tạo về đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề!
Nghề môi giới kinh doanh bất động sản là một nghề chân chính, đã được pháp luật và xã hội công nhận. Thiết nghĩ người làm nghề này hãy cùng nhau gìn giữ sự trong sạch của nghề. Đừng vì đồng tiền làm lóa mắt mà bất chấp pháp lý.
ThS Nguyễn Phạm Hữu Hậu (Viện chính sách kinh tế và kinh doanh, ĐH Tôn Đức Thắng)
Theo Định Hương và Đỗ Ngô Trần (TTO)
Các tin khác