Đối diện với những khó khăn do dịch Covid-19, một số doanh nghiệp nỗ lực tìm cách tự mình hoặc phối hợp với đối tác “giải cứu” hợp đồng, đồng cam cộng khổ để giảm thiểu thiệt hại cho các bên, xa hơn là để giữ uy tín đặng còn làm ăn lâu dài. Ngược lại, có người chọn “cửa” thuận tiện hơn nhiều – sử dụng ưu thế của mình để dừng thực hiện hợp đồng, viện dẫn sự kiện bất khả kháng làm cơ sở miễn trách nhiệm khi vi phạm.
Dịch bệnh khiến viện dẫn sự kiện bất khả kháng trở thành “trend”
Vụ việc ồn ào gần đây của một ông lớn kinh doanh bán lẻ hàng điện máy dọa các chủ mặt bằng cho thuê sẽ chấm dứt hợp đồng theo điều kiện bất khả kháng nếu không chịu miễn hoặc giảm sâu tiền thuê nhà cho thời gian dịch Covid-19, theo tôi, là một vụ việc đáng tiếc, nếu không muốn nói là một cuộc khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp này. Đây là điển hình cho thấy “sự kiện bất khả kháng” đã và đang được viện dẫn khá thoải mái, nếu không muốn nói là tùy tiện.
Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều chủ đầu tư hoặc tổng thầu đứng ngồi không yên vì các nhà thầu phụ lấy lý do khó khăn từ các biện pháp giãn cách xã hội, đột ngột giảm hoặc dừng huy động nhân lực, máy móc khiến tiến độ thi công bị rớt lại phía sau so với cam kết. Ảnh: H.P
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong các đợt bùng phát Covid-19. Trong lĩnh vực xây dựng, nhất là ở các dự án trọng điểm, nhiều chủ đầu tư hoặc tổng thầu đứng ngồi không yên vì các nhà thầu phụ lấy lý do khó khăn từ các biện pháp giãn cách xã hội, đột ngột giảm hoặc dừng huy động nhân lực, máy móc khiến tiến độ thi công bị rớt lại phía sau so với cam kết. Ở mảng cung ứng hàng hóa, dịch vụ, nhiều nhà cung cấp đột ngột hủy giao hàng hoặc hẹn… hết dịch mới nối lại dịch vụ khiến cho đối tác không có đủ nguyên liệu, dịch vụ đầu vào để sản xuất kinh doanh.
Các lý do đưa ra đều có bóng dáng của Covid-19. Tuy vậy, không phải bên vi phạm hợp đồng nào cũng thiện chí nỗ lực hết sức để khắc phục những khó khăn khách quan do dịch bệnh mang lại để chỉ tới mức không thể làm gì thêm được mới quyết định… buông. Còn phía bên bị vi phạm đôi khi chỉ biết kêu trời!
Trong khi đó, dịch Covid-19 có được chấp nhận là “điều kiện bất khả kháng” để miễn trừ trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký không lại là chuyện khác. Điều này phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan xét xử khi xảy ra tranh chấp trong từng trường hợp cụ thể; câu chữ trong hợp đồng và nhận định, đánh giá của mỗi cá nhân người cầm cân nảy mực.
Khi đó, sự tùy tiện suy diễn rằng những khó khăn do dịch bệnh gây ra là cơ sở chối bỏ nghĩa vụ đã xác lập một cách tự nguyện đôi khi trở thành con dao hai lưỡi, khiến cho bên vi phạm có thể phải chịu thiệt hại nhiều hơn so với nỗ lực còn nước còn tát hoặc tiếp cận sự việc theo hướng “mềm” hơn để tìm sự đồng cảm, chia sẻ của đối tác, thậm chí của cả… quan tòa khi tranh chấp chẳng may xảy ra.
Pháp luật không “dễ tính” với tình trạng bất khả kháng
Khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) định nghĩa: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Theo quy định này, một sự kiện được coi là bất khả kháng phải hội đủ ba yếu tố: (i) sự kiện đó phải khách quan; (ii) phải là sự việc xảy ra mà không thể lường trước được; và (iii) phải không thể khắc phục được dù đã tìm mọi cách để khắc phục.
Viện dẫn điều kiện bất khả kháng cho sự vi phạm hợp đồng của một bên chỉ nên được coi là việc chẳng đặng đừng. Vì xét cho cùng, trong một chừng mực nào đó, đây chính là lựa chọn của bên có nghĩa vụ. Mà lựa chọn việc vi phạm hợp đồng, dù là bất khả kháng, cũng sẽ luôn gây ra những sự rạn nứt nào đó.
Có thể thấy, luật chỉ đưa ra nguyên tắc xác định thế nào là sự kiện bất khả kháng. Còn chi tiết hơn thì các bên phải lập luận, chứng minh bằng thực tế diễn ra và việc đánh giá chấp nhận hay không là thuộc quyền của người xét xử khi xem xét từng trường hợp cụ thể.
Tuy vậy, thông qua ngôn ngữ được sử dụng trong định nghĩa trên, có thể thấy pháp luật đòi hỏi tính tuyệt đối của tất cả các dữ kiện đưa ra để có thể kết luận một sự kiện đã xảy ra là bất khả kháng.
Bên cạnh ba yếu tố mang tính chất định nghĩa được đề cập ở trên, một điều kiện để áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng thường bị bỏ qua là sự việc xảy ra đó phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm hợp đồng. Khoản 2 điều 351 BLDS quy định rằng, bên vi phạm hợp đồng có thể được miễn trách nhiệm nếu bên đó vi phạm nghĩa vụ “do” sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Theo đó, có thể hiểu rằng không phải tất cả các vi phạm hợp đồng trong quá trình xảy ra sự kiện bất khả kháng đều được miễn trách nhiệm, mà chỉ vi phạm nào xảy ra có nguyên nhân trực tiếp từ sự kiện bất khả kháng thì mới được xem xét không bị truy cứu mà thôi.
Dù vậy, ngay cả khi đã hội đủ các yếu tố để được miễn trách nhiệm thì không phải mọi mức độ vi phạm đều có thể được chấp nhận. Quan điểm chung của nhà làm luật là không khuyến khích việc chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng đã ký, trừ khi có cơ sở cho thấy mục đích khi giao kết hợp đồng không thể đạt được nếu tiếp tục thực hiện cam kết. Thay vào đó, phương án được đưa ra là cho bên vi phạm thêm thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả.
Cụ thể, điều 296 Luật Thương mại 2005 quy định, trừ trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ, “trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả”.
Ở một cách tiếp cận khác, khoản 2 điều 143 Luật Xây dựng 2014 quy định sự kiện bất khả kháng là trường hợp có thể được xem xét điều chỉnh hợp đồng (không phải là hủy bỏ hay chấm dứt hợp đồng).
Khó khăn do dịch Covid-19 không đương nhiên là sự kiện bất khả kháng
Nếu đối chiếu với những quy định được đề cập ở trên, tự thân dịch Covid 19 nói chung, hay các biện pháp giãn cách xã hội nói riêng, không đương nhiên trở thành sự kiện bất khả kháng. Ít nhất là tính bất ngờ, tính không lường trước được của đại dịch đã mất từ khá lâu.
Khi ký kết hay trong quá trình thực hiện hợp đồng trong các năm qua, các doanh nghiệp không thể không lường trước được “ngọn lửa F0” có thể bùng lên bất cứ lúc nào và các biện pháp giãn cách xã hội khắc nghiệt nhất có thể được áp dụng bất cứ khi nào. Dù không hề mong muốn, nhưng rõ ràng chúng ta đã sẵn sàng tâm lý khi dịch bệnh bùng phát và tự thân chúng ta đã cần phải có những phương án để đối phó với các “kịch bản” khác nhau khi dịch bệnh diễn biến theo các chiều hướng tương ứng.
Do vậy, lẽ đương nhiên là các bên trước khi ký hợp đồng phải cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố đại dịch và, khi vi phạm hợp đồng, không thể chỉ đơn giản viện dẫn Covid-19 là được miễn trách nhiệm, trừ khi có xuất hiện những yếu tố khác, cụ thể là một số tình huống hay hệ quả liên quan tới Covid-19 mang đầy đủ ba yếu tố của một sự kiện bất khả kháng(1).
Ví dụ, một siêu thị bị áp dụng lệnh phong tỏa, đóng cửa do xuất hiện các ca nhiễm mới trong nhân viên ngành hàng tươi sống mặc dù đã tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như quy định. Khi đó việc tạm thời không thể nhập được hàng từ các nhà cung cấp đang trên đường đi giao hay đang đợi giao hàng khiến cho hàng hóa tươi sống bị hư hỏng có thể xem xét có lý do của sự kiện bất khả kháng.
Nhưng, chẳng hạn cũng với trường hợp của siêu thị ở trên, mặc dù biện pháp phong tỏa đã áp dụng, việc xuất nhập hàng đã tạm ngưng, mà người phụ trách ngành hàng hoặc nhân viên… quên báo cho nhà cung cấp đang lên hàng hoặc mới khởi hành đi giao, để hàng hóa đến nơi rồi mới buộc phải quay đầu dẫn đến hư hỏng thì câu chuyện có thể khác.
Rõ ràng trong trường hợp này, cùng một sự kiện do dịch Covid-19 gây nên, nhưng tình huống này có thể được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, tình huống kia thì thì không.
Hơn nhau ở sự thiện chí
Tiếp nối ví dụ ở trên (xin thông tin thêm đây là câu chuyện có thật), khi siêu thị bị đóng cửa để kiểm soát và truy vết các ca nhiễm mới, trưởng và các nhân viên ngành hàng tươi sống lập tức gọi điện cho các nhà cung cấp, thông báo về sự việc. Ai chưa lên hàng thì tạm ngưng.
Nhà cung cấp nào đã lên hàng, chuẩn bị xuất phát hoặc đang trên đường đi giao thì được thu xếp để các đơn vị khác cùng hệ thống, trong cùng địa phương, thậm chí ở tỉnh thành khác, nhận hàng giúp. Ưu tiên lúc này là làm sao để nhà cung cấp không bị hoặc ít bị thiệt hại.
Cách xử lý của những người thừa hành ở siêu thị trên quả đã làm mát lòng mát dạ các nhà cung cấp của mình. Ở chiều ngược lại, chính những đối tác này trong suốt mùa dịch cũng không ngại khó, ngại khổ đồng hành cùng siêu thị, duy trì cung ứng hàng hóa liên tục, thậm chí tăng cao hơn bình thường (do chợ truyền thống bị đóng cửa) trong điều kiện kiểm dịch ngặt nghèo và gây tốn kém thêm chi phí.
Một câu chuyện khác cũng đáng để kể ra. Tại một gói thầu của công trình xây dựng trọng điểm nhà máy lọc dầu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, khi dự án đang ở cao điểm thì dịch bệnh bùng phát, Chỉ thị 16 được áp dụng với những yêu cầu khắt khe về ra vào công trường, xét nghiệm, cách ly khiến nhiều công nhân bỏ việc, trong khi nhà cung cấp nhân lực tăng giá thuê nhân công để bù chi phí khiến nhà thầu phụ vốn có tiềm lực tài chính hạn chế ở vào thế cực kỳ khó khăn, càng làm tiến độ càng tụt trong khi chi phí không hề giảm.
Tuy vậy, nhà thầu phụ này không hề có ý định… buông. Họ kêu gọi sự giúp đỡ của tổng thầu. Ở chiều ngược lại, tổng thầu nhanh chóng đồng ý hỗ trợ khoản chênh lệch chi phí mà thầu phụ của mình phải bỏ ra so với trước giãn cách để thuê bổ sung nhân sự đưa vào công trường. Nhờ vậy mà các mốc tiến độ vẫn được bảo đảm qua thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất.
Có thể thấy, thay vì làm khó lẫn nhau, viện dẫn các quy định về sự kiện bất khả kháng (dù đúng dù sai) để bảo vệ cho lợi ích của bản thân mình hoặc doanh nghiệp mình, các bên A và bên B trong hợp đồng đã cùng nghĩ cách để giải cứu lẫn nhau và giải cứu thỏa thuận ngay tình đã thiết lập. Đây chính là cơ sở của các mối quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững về sau.
Đây cũng chính là biểu hiện của nguyên tắc “thiện chí” (good faith) trong quan hệ hợp đồng, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của pháp luật hợp đồng nói riêng và pháp luật dân sự nói chung(2). Viện dẫn điều kiện bất khả kháng cho sự vi phạm hợp đồng của một bên chỉ nên được coi là việc chẳng đặng đừng. Vì xét cho cùng, trong một chừng mực nào đó, đây chính là lựa chọn của bên có nghĩa vụ(3). Mà lựa chọn việc vi phạm hợp đồng, dù là bất khả kháng, cũng sẽ luôn gây ra những sự rạn nứt nào đó.
Theo Đăng Khoa (thesaigontime)
Các tin khác