Sau 9 năm thi hành, một số quy định trong Nghị định 44/2014 về phương pháp định giá đất đã bộc lộ hạn chế, tồn tại cần thay đổi. Một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp khiến địa phương còn lúng túng trong áp dụng thực hiện.
TTXVN đưa tin, ngày 7-8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ban hành năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất (Nghị định 44).
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 9 năm thực hiện, Nghị định 44 đã đạt được một số kết quả nhất định. Chính phủ đã quy định 5 phương pháp định giá đất, bao gồm so sánh trực tiếp; chiết trừ; thu nhập; thặng dư; hệ số điều chỉnh giá đất và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện các phương pháp định giá đất.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014. Ảnh: TTXVN
Các quy định này cơ bản đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, quy trình đảm bảo chặt chẽ; thông qua công tác định giá đất cụ thể, giá đất đã cơ bản phù hợp với giá thị trường, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi hành, một số quy định về phương pháp định giá đất đã bộc lộ hạn chế, tồn tại. Một số địa phương còn lúng túng trong áp dụng thực hiện và làm ảnh hưởng đến tiến độ xác định giá đất.
Một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp với điều kiện thực tế về thông tin thị trường quyền sử dụng đất còn thiếu minh bạch, chưa phù hợp với công tác quản lý nhà nước về giá đất trong bối cảnh chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá đất.
Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau.
Việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44 để kịp thời hoàn thiện các quy định về phương pháp định giá đất, đổi mới trình tự xác định giá đất cụ thể, đảm bảo khơi thông nguồn lực đất đai; đồng thời hướng dẫn các địa phương thống nhất triển khai thực hiện việc Ủy ban Nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể theo quy định (tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể) là cần thiết.
Các giải pháp đề xuất được đưa ra nhằm khắc phục tồn tại, khó khăn, vướng mắc về công tác định giá đất chủ yếu liên quan đến phương pháp xác định giá đất; bổ sung quy định khi thực hiện việc xác định giá đất; bổ sung quy định, trình tự, thủ tục thực hiện xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể; quy định đối với trường hợp không lựa chọn được tổ chức có chức năng tư vấn cách định giá đất; quy định xử lý chuyển tiếp đối với một số trường hợp.
Theo TTXVN, phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, định giá đất là vấn đề then chốt trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc, vi phạm về đất đai hiện nay. Việc sửa đổi Nghị định 44 cần có phương pháp luận đúng đắn, cơ sở khoa học, thực tiễn.
Các phương pháp định giá đất (so sánh, thu nhập, thặng dư) đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng, trong đó thông tin, dữ liệu đầu vào về thị trường đất đai là cơ sở quan trọng để áp dụng phương pháp định giá chính xác. Mỗi phương pháp định giá được áp dụng tương ứng với điều kiện thông tin, dữ liệu đầu vào của từng thửa đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, hiệp hội, để làm rõ hơn tiêu chí, điều kiện về thu thập thông tin, dữ liệu đầu vào đối với từng thửa đất, dự án cụ thể làm cơ sở áp dụng phương pháp định giá phù hợp nhất, tránh tùy tiện, chủ quan.
Phó thủ tướng cũng lưu ý, ngay cả khi dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, cho phép áp dụng phương pháp định giá đất theo vùng giá trị, những phương pháp định giá khác vẫn cần được áp dụng đối với những khu vực chưa thu thập đầy đủ dữ liệu đất đai theo vùng giá trị.
Với những địa phương theo dõi sát được giá biến động của thị trường đất đai trên địa bàn, có thể tiến tới áp dụng xác định phương pháp định giá theo vùng giá trị. Trước mắt, các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn, định giá cần thống nhất về cách thức lựa chọn, áp dụng phương pháp định giá đất kết hợp với kiểm chứng phù hợp, bảo đảm trung thực, khách quan, sát, đúng, phù hợp với giá trị thị trường.
Theo N.Tân (thesaigontime)
Các tin khác