Thị trường BĐS sẽ diễn biến theo chiều hướng nào trong năm Tân Sửu?

Thị trường BĐS sẽ diễn biến theo chiều hướng nào trong năm Tân Sửu?

Trang chủ » Tin tức » Thị trường BĐS sẽ diễn biến theo chiều hướng nào trong năm Tân Sửu?

Theo dự báo của hầu hết các chuyên gia trong ngành, năm 2021 thị trường BĐS sẽ có những yếu tố tích cực hơn rất nhiều, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như Tp.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ chưa thể có bước đột phá mạnh bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như pháp lý và kiểm soát dịch bệnh.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, trong năm 2021, sự dịch chuyển thị trường của các chủ đầu tư tiếp tục xuất hiện. Trong đó, có xu hướng các chủ đầu tư tại TP.HCM sẽ di chuyển ra săn tìm quỹ đất tại Hà Nội và ngược lại các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng nam tiến thực hiện các dự án ở Tp.HCM .Bên cạnh đó, xu hướng phát triển các dự án ở những thị trường vùng ven, thị trường ven biển vẫn tiếp tục phát triển. Do đó, năm 2021 thị trường sẽ có những yếu tố tích cực hơn rất nhiều, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như Tp.HCM hay Hà Nội.

Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ chưa thể có bước đột phá mạnh bởi vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn ở Tp.HCM là việc chậm tiến độ của các dự án do vướng thủ tục pháp lý sẽ chưa được giải quyết triệt để khi chuyển sang năm 2021. Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Mặc dù, có  tin vui là Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt nên người dân tích cực trong việc đầu tư bất động sản. Nhưng cơ bản dịch bệnh vẫn còn, vắc xin mới xuất hiện và cần thời gian để kiểm chứng.

"Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung lớn ở phân khúc cao cấp, hạng sang không thể qua Việt Nam do ảnh hưởng cảu dịch bệnh. Năm 2021 thì phải chờ đến khoảng quý 2 hoặc quý 3 cũng có thể là hết năm 2021 khi mọi thứ trở lại bình thường, các chuyến bay được mở trở lại thì chúng ta mới có thể đón lại khách quốc tế. Do đó, năm 2021 là năm của sự phục hồi nhưng chưa có sự đột phá. Nguồn cung sẽ có sự cải thiện, các chủ đầu tư sẽ đa dạng hoá sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường", ông Kiệt khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho hay, thị trường BĐS năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng tốt mặc dù còn sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Việt Nam đang có ưu điểm lớn như kiểm soát dịch bệnh tốt, trở thành điểm đến an toàn của các nhà đầu tư. Cùng với đó, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền do không quá nhiều biến động như vàng hay chứng khoán. Nhu cầu mua BĐS của người dân vẫn rất lớn. Ngoài ra, tình hình tín dụng cũng rất bình ổn, hiện nay lãi suất cho vay của các ngân hàng đã được giảm xuống. Mặc dù ngân hàng không ưu tiên cho vay BĐS nhưng việc lãi suất tốt sẽ giúp các ngành nghề kinh doanh khác có cơ hội phát triển, qua đó gián tiếp thúc đẩy BĐS tăng trưởng khi người dân có tiền để mua nhà, đất.

Tuy vậy, năm 2021 dự báo giá nhà đất sẽ không có sự đột biến về giá do năm 2020 giá BĐS đã tăng cao. Lượng hàng tồn năm 2020 sẽ kéo dài cho đến hết năm 2021. Vì thế, dự báo giao dịch BĐS năm 2021 có thể chậm, đều, không đột phá. Giá có thể duy trì tăng ở mức độ vừa phải 5-10%.

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt nhận định, năm 2021 sẽ có nhiều thách thức, trong đó thách thức do lượng tiền bơm vào nền kinh tế nhiều trong thời gian ngắn thì việc kiểm soát lạm phát trong thời gian tới là vấn đề. Phải có niềm tin về kiểm soát dịch bệch, và phát triển công nghiệp bất động sản khi thừa hưởng từ chiến tranh thương mại dẫn đến dịch chuyển sản xuất tại thị trường Việt Nam. Và đây là cơ hội cho việt nam trong năm tới. Một niềm tin nữa, năm 2021 là năm đầu tiên trong chiến lược trong 10 năm và phải đặt mục tiêu phát triển. Hi vọng năm đầu tiên sẽ có nhiều cú huých phát triển kinh tế.

Cũng có góc nhìn lạc quan, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam nhận định, về mặt toàn cầu, kể cả vắcxin có phân phối chậm trong năm 2021, vẫn phải giãn cách xã hội để chống dịch trong năm 2021 thì hệ thống tài chính toàn cầu vẫn đứng vững. Cộng hưởng với điều đó là dòng tiền được bơm nhiều ra thị trường.

Tại Việt nam lần này khác biệt những lần khủng khoảng khác là kinh tế vĩ mô ổn định, năm sau nợ xấu ngân hàng sẽ bộc lộ nhưng không mất thanh khoản như lần trước. Ngân hàng nhà nước thay vì thắt chặt như những lần trước cách đây 10 năm, thắt chặt chính sách tiền tệ, năm nay khi tác động khủng hoảng nhưng nền tảng vĩ mô tốt, nhà nước lại bơm được tiền ra, nhà nước tăng chi được nên tiền trên thị trường vẫn có, nên chứng khoán vẫn tốt, BĐS vẫn tốt. đây là tín hiệu tích cực cho cả năm 2021 khi mà thanh khoản của nền kinh tế dự báo sẽ tốt.

Theo Hạ Vy (CafeF)

Các tin khác