Theo thống kê, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 40%, nhưng xét về chỉ tiêu quy mô dân số thì tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt 36,8% do nguồn lực hạn chế, xã hội hóa kém hiệu quả.
BT chiếm 56% số dự án PPP được triển khai
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngay từ cuối thập niên 1980, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương đầu tiên thực hiện phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” khi đầu tư xây dựng tuyến đường Hạ Long ven biển và một số trục đường giao thông khác làm thay đổi bộ mặt đô thị TP.Vũng Tàu và các huyện, thị xã. Tại TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh… hàng loạt dự án chỉnh trang đô thị cũng được thực hiện theo hình thức này và đã bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội.
Dự án BT chống ngập ở TP.HCM triển khai mãi không xong - T.N
Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng nhận định hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) là loại hợp đồng được áp dụng chủ yếu (chiếm 56% số dự án PPP được triển khai), góp phần không nhỏ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo được nhiều công ăn việc làm và góp phần vào các hoạt động kinh tế của địa phương.
Thực tế, xã hội hóa đầu tư là nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị trong đó có phương thức đối tác công - tư (PPP).
Nhiều ý kiến cho rằng, BT đang là xu thế tất yếu và trên thế giới đều áp dụng trong lúc vốn đầu tư công còn hạn chế. Tuy nhiên, tại Việt Nam sở dĩ xảy ra tình trạng hầu hết dự án BT xác định tổng mức đầu tư lớn hơn nhiều thực tế triển khai là do yếu tố con người. Chủ đầu tư đã “móc ngoặc” với những người có chức có quyền để nâng khống giá trị dự án và khoản lợi nhuận này đem chia nhau. Chính vì vậy, luật PPP quyết định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT kể từ ngày 1.1.2021 do việc thực hiện các dự án BT trong thời gian trước đây có nhiều “lỗ hổng, bất cập” làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là đất công, trụ sở làm việc và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Chỉ nên tạm dừng để hoàn thiện pháp lý
Ông Lê Hoàng Châu nói thẳng, phương thức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT không có lỗi, mà lỗi là do các quy định pháp luật và cơ chế chính sách chưa chặt chẽ, chưa thống nhất, chưa đồng bộ và những yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, chỉ nên dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT đến khoảng năm 2023, để xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, nhằm để bịt kín các “lỗ hổng, bất cập” vì phương thức đầu tư BT là rất cần thiết, để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư của Đảng.
Và để bít các lỗ hổng về chính sách, nhằm hạn chế tình trạng nâng khống giá trị dự án, gây thất thoát, tham nhũng trong đầu tư PPP cũng như BT, ông Lê Hoàng Châu đề xuất, nên giao thẩm quyền cho cấp tỉnh quyết định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Hiện Khoản 2 Điều 4 luật PPP quy định tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 200 tỉ đồng (riêng dự án y tế, giáo dục thì không thấp hơn 100 tỉ đồng). Trường hợp địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn thì không thấp hơn 100 tỉ đồng là “hơi cứng” và không phù hợp với các tỉnh nhỏ có nhiều công trình có giá trị không lớn cần đầu tư theo phương thức PPP.
"Các dự án BT ở nước ta bị “biến tướng” do trước đây nhà nước cho phép thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc để nhà đầu tư thực hiện “dự án khác” đạt lợi nhuận rất lớn, thậm chí là “siêu lợi nhuận”, dẫn đến nhà nước bị thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách. Mà quỹ đất, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước đều là “đất sạch” hoàn toàn đủ điều kiện để đưa ra đấu giá. Nếu các quỹ đất sạch này đem đấu giá công khai thì nhà nước thu được giá trị theo đúng giá thị trường, vừa có nguồn vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, vừa loại trừ cơ chế “xin - cho, sân sau, tham nhũng tiêu cực”- ông Châu phân tích.
Theo Đình Sơn (thanhnien)
Các tin khác