Thứ trưởng Xây dựng lên tiếng về đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Thứ trưởng Xây dựng lên tiếng về đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Trang chủ » Tin tức » Thứ trưởng Xây dựng lên tiếng về đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chung cư có thời hạn linh hoạt sẽ do chính quyền các địa phương xem xét quyết định theo từng dự án và mục tiêu của chủ đầu tư.

Mới đây, tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) đưa ra phương án sở hữu chung cư có thời hạn. Với nội dung liên quan đến việc sở hữu nhà chung cư, dự thảo quy định nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, hoặc chưa hết thời hạn nhưng buộc phải tháo dỡ theo quy định, sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu.

Theo đó, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế, được ghi rõ trong văn bản thẩm định.

Tuy nhiên, dự thảo quy định chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phá dỡ sẽ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải đóng góp kinh phí xây dựng chung cư mới.

Đề xuất thời hạn sở hữu chung cư gây dư luận trái chiều thời gian qua.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tính từ thời điểm luật có hiệu lực áp dụng việc xây dựng chung cư có thời hạn.

Theo ông Sinh, việc này do chính quyền địa phương xem xét quyết định, theo từng dự án, đặt mục tiêu của chủ đầu tư. Chủ đầu tư định xây 70 năm sẽ thiết kế 70 năm và chính quyền địa phương phê duyệt 70 năm và bán theo giá của thời hạn này. Nếu thiết kế 100 năm sẽ phê duyệt thời gian này. Thời hạn linh hoạt không cứng quy định 50 hay 70 năm.

“Một công trình thiết kế 50 năm không thể nói là 70 năm vì sau cơ quan sẽ thẩm tra, phê duyệt. Cái này tùy từng theo chủ đầu tư”, ông Sinh nói.

Cùng đó, thời hạn sở hữu nhà chung cư phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư.

Trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng theo kết luận kiểm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chủ sở hữu đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu trong Giấy chứng nhận theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định.

Ưu điểm của phương án đề xuất mới là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong thực hiện chính sách cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư như hiện nay. Quy định mới sẽ bảo đảm tính khả thi vì quy định rõ trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc sở hữu của mình, không phải áp dụng hệ số K bồi thường như hiện hành. Nhược điểm là thời gian đầu triển khai sẽ gặp khó khăn vì nhận thức của người dân là sở hữu nhà ở vĩnh viễn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm, hiện Luật Nhà ở mới dự thảo lần 5 và còn thẩm tra, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, sau đó mới trình Quốc hội thảo luận lần 1.

Theo Chương trình của Phiên họp thứ 21 của UBTVQH (diễn ra từ 15/3 – 20/3), UBTVQH sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình lên.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nếu đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn được thông qua sẽ đưa hàng trăm nghìn sổ đỏ đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư vào thế "việt vị". Với quan niệm truyền thống muốn sở hữu tài sản, tích lũy cho con cháu như người Việt, chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, nhất là sản phẩm nhà chung cư.

"Trong bối cảnh chúng ta đang chủ trương xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, thúc đẩy xây chung cư bình dân mà lại đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư như vậy, e rằng người dân cũng không mấy mặn mà", ông Đính nói.

Ông cho rằng, nếu đề xuất được thông qua, có thể người dân chỉ còn hào hứng với loại hình nhà chung cư nêu rõ trong hợp đồng mua, bán thời gian sở hữu bao nhiêu năm, có thể là dự án có thời hạn 15 năm, 30 năm… và giá bán sẽ thấp hơn nhiều.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)

Các tin khác