Tốc độ đô thị hóa Việt Nam đạt 40%

Tốc độ đô thị hóa Việt Nam đạt 40%

Trang chủ » Tin tức » Tốc độ đô thị hóa Việt Nam đạt 40%

Cả nước hiện có 870 đô thị, tốc độ đô thị hóa đạt 40%, thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết tại hội thảo đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tổ chức trực tuyến ngày 8-11.

Hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hiệp hội các đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức nhân ngày đô thị Việt Nam.

Theo thứ trưởng Lê Quang Hùng, khu vực đô thị không chỉ tạo ra tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế.

TP.HCM đô thị lớn nhất cả nước nhìn từ trên cao - Ảnh: T.Đ.H

Nhưng mạng lưới đô thị cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết sắp tới dự kiến Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ nghị quyết này, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho phát triển đô thị.

Còn theo TS Nguyễn Đức Hiển, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, lũ lụt, nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và các đô thị tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cả nước có khoảng 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, bao gồm 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng, đến rất nặng.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động tới khoảng 143 đô thị tại miền núi và Tây Nguyên.

Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá nếu mực nước biển dâng thêm 30cm vào năm 2050, sẽ có khoảng 4,5 triệu người tại các đô thị ven biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt, 1,2 triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo, hạ tầng đường bộ giai đoạn 2010-2050, thiệt hại về hạ tầng đường bộ có thể lên tới 55 tỉ USD.

Ông Hiển nhận định tình trạng ngập úng tại đô thị ngày càng phổ biến, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân, làm hư hại các công trình xây dựng, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật, làm ngừng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Hòa Bình, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sau khi trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh, thành phố đã nhận ra một số hạn chế trong việc quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị cần được khắc phục. Chẳng hạn, việc tập trung quá đông dân cư tại một số địa bàn như các quận Gò Vấp, Bình Tân, 12, hay các quận có mật độ dân số cao như Quận 4, 10, 11 là nơi dịch diễn biến phức tạp hơn.

Hay mô hình nhà ở liên kế tự phát san sát nhau trong các khu vực đô thị hiện hữu, không có khoảng ngắt, đặc biệt trong những con hẻm nhỏ, gây khó khăn trong việc phong tỏa, cách ly, thực hiện giãn cách xã hội. Đây là những vấn đề theo ông Lê Hòa Bình cần khắc phục khi thực hiện lại quy hoạch đô thị.

Về các vấn đề đặt ra cho phát triển đô thị giai đoạn sắp tới, TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng sự bùng phát của COVID-19 đang làm dấy lên những lo ngại về việc phát triển các đô thị lớn với mật độ dân cư cao, cần tính toán tới việc phát triển các đô thị theo quy mô nhỏ, gọn, dễ thích nghi hơn.

Dịch COVID-19 cũng đặt ra yêu cầu về tái tổ chức không gian đô thị, đặc biệt là không gian công cộng nhằm đảm bảo người dân vẫn được hưởng thụ không gian công cộng, không gian xanh đô thị nhưng không tụ tập đông người, mật độ cao, vị lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương cho biết thêm.

Theo Bảo Ngọc (tuoitre)

Các tin khác