Tổng cục Quản lý đất đai: Quản lý bất động sản chưa thấu đáo để môi giới lợi dụng gây 'sốt đất'

Tổng cục Quản lý đất đai: Quản lý bất động sản chưa thấu đáo để môi giới lợi dụng gây 'sốt đất'

Trang chủ » Tin tức » Tổng cục Quản lý đất đai: Quản lý bất động sản chưa thấu đáo để môi giới lợi dụng gây 'sốt đất'

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho rằng 'sốt đất' là bài học về quản lý bất động sản, làm chưa được thấu đáo nên một số môi giới lợi dụng để làm nóng thị trường đất đai.

Ông Mai Văn Phấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đã nói như vậy tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức sáng 28-4.

Trả lời báo chí về tình trạng 'sốt đất' tại một số địa phương thời gian qua, ông Phấn cho biết ngay sau khi có dư luận về sốt đất, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và môi trường có văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành chủ trì buổi họp báo - Ảnh: CHÍ TUỆ

Cùng với đó, tổng cục cũng có kế hoạch làm việc kiểm tra, rà soát để phân tích các nguyên nhân gây sốt đất để xử lý.

"Bộ đã yêu cầu các địa phương công khai thông tin về quy hoạch, giá đất. Hiện nay tình trạng sốt đất đã giảm nhiệt. Việc sốt đất là bài học về quản lý bất động sản, làm chưa được thấu đáo nên một số môi giới lợi dụng để gây nóng thị trường bất động sản.

Đây cũng là bài học để chúng tôi tiếp thu để làm thế nào trong cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện triển khai giám sát chặt chẽ hơn" - ông Phấn nói.

Theo ông Phấn, đến nay bộ đã nhận được một số báo cáo của các địa phương, tuy nhiên chưa đầy đủ 63/63 tỉnh thành nên đang tổng hợp phân tích nguyên nhân "sốt đất".

Đối với kế hoạch kiểm tra công tác quản lý đất đai tại 26 địa phương theo quyết định của Bộ Tài nguyên và môi trường, hiện nay các đoàn đang triển khai kiểm tra theo kế hoạch nên chưa có kết luận.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai nói việc quản lý bất động sản chưa thấu đáo nên một số môi giới lợi dụng để gây sốt đất - Ảnh: ĐẶNG TUẤN

Muốn khai thác cát sỏi phải đánh giá tác động đến lòng, bờ sông

Liên quan đến việc cấp phép khai thác cát sỏi trên lòng sông, ông Lại Hồng Thanh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, cho biết hiện nay thẩm quyền về lập quy hoạch thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có khai thác cát sỏi ở lòng sông, thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Đối với khai thác cát sỏi lòng sông, lần đầu tiên chúng ta đã có nghị định 23 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Dù đã có Luật khoáng sản nhưng Chính phủ vẫn có nghị định riêng do tính chất tác động của hoạt động khai thác cát sỏi liên quan đến bảo vệ lòng, bờ sông, đặc biệt là sạt lở bờ sông.

"Nghị định 23 đã quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh khi cấp phép lập quy hoạch thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông. Cụ thể, trách nhiệm của UBND tỉnh liên quan đến khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm theo điều 12 của nghị định thì tỉnh không được cấp phép khai thác khoáng sản.

Hơn nữa, điều 12 cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, muốn được cấp phép khai thác khoáng sản thì khi đề xuất hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản lòng sông phải đánh giá tác động đến lòng, bờ sông.

Sau khi nghị định 23 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng có văn bản gửi các địa phương quán triệt tinh thần nghị định. Mới đây tổng cục tiếp tục trình lãnh đạo bộ để tiếp tục gửi các địa phương đôn đốc, quản lý khai thác cát sỏi lòng sông" - ông Thanh nói.

Theo Chí Tuệ (tuoitreonline)

Các tin khác