Trong nhóm kiến nghị TP HCM gửi tới Thủ tướng, đa số đề xuất được thí điểm những chính sách mới thuộc lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường.
Loạt kiến nghị được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu ra với đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư công, chiều 27/11. Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng, Thủ tướng làm việc với thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi báo cáo tại cuộc họp, chiều 27/11. Ảnh: Nhật Bắc
Theo đó, về đất đai, TP HCM kiến nghị được dùng kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước làm căn cứ giao, cho thuê đất thuộc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước 1/1/2021. Trung tâm Phát triển quỹ đất được khai thác ngắn hạn và hưởng ít nhất 10% nguồn thu từ khu đất thuộc thẩm quyền quản lý, nhưng chưa có quyết định giao, cho thuê. Thành phố cũng muốn được phép khai thác đất khác (đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng) ngoài đất ở để làm dự án nhà ở thương mại.
TP HCM đề xuất được phép gia hạn sử dụng đất với hai trường hợp: chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng, thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất (theo Điều 73 Luật Đất đai); và các khu đất hết hạn sử dụng trong thời gian chờ kết quả xử lý liên quan tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá, thế chấp xử lý nợ...(theo điểm k, khoản 4, Điều 95 Luật Đất đai).
Một phần khu đô thị Tây Bắc TP HCM (Hóc Môn), bị "treo" hơn 20 năm, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Về môi trường, thành phố muốn có cơ chế chủ động đặt hàng dịch vụ xử lý rác với nhà đầu tư hiện hữu. Với dự án xử lý rác mới, thành phố xin đấu thầu cung cấp dịch vụ. Trong đó, thành phố giao, cho thuê đất tại khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch (không qua đấu giá, đấu thầu) và đặt yêu cầu về công suất, tiêu chí công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá để chọn nhà đầu tư.
Thành phố cũng nhắc lại những kiến nghị cụ thể từng gửi Chính phủ và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quốc phòng. Mục tiêu là gỡ vướng cho 6 dự án đầu tư công, gồm: Metro số 1, 2, Vành đai 3, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cải thiện hệ thống nước, nước thải tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát và Tây Sài Gòn
Ba bệnh viện cửa ngõ là Bệnh viện Đa khoa tại Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi được thành phố xin Trung ương bổ sung 4.500 tỷ đồng vốn. Tổng vốn đầu tư ba dự án là 5.664 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2025, nhưng hiện TP HCM hết khả năng bố trí vốn từ ngân sách thành phố.
Hiện, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP HCM mới đạt 30%. Thành phố dự kiến hết năm có thể nâng tỷ lệ giải ngân lên 76,7%, theo cam kết của các chủ đầu tư.
Về kinh tế, TP HCM mong Chính phủ có hành động cụ thể và quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm. Thị trường xăng dầu hiện tiềm ẩn bất ổn, ảnh hưởng niềm tin của người dân trong kinh tế, đời sống. Do đó, thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định theo hướng đảm bảo lợi ích hài hoà các khâu trong chuỗi phân phối xăng dầu.
Trước đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi báo cáo 10 tháng qua, kinh tế TP HCM phục hồi sớm hơn dự báo với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Thành phố thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, hơn 118% dự toán.
Tuy nhiên từ tháng 10, kinh tế TP HCM đối mặt nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp (nhất là dệt may, da giày, chế biến gỗ...) thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng, giảm việc dẫn đến công nhân mất việc, giảm thu nhập. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bất động sản gặp khó về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Việc cung ứng xăng dầu không ổn định và vấn đề liên quan SCB ảnh hưởng tâm lý, niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng bày tỏ ngạc nhiên trước sự phục hồi của TP HCM sau khi bị "bào mòn" bởi đợt Covid-19. 11 tháng qua, TP HCM đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trên cả nước và tăng trưởng kinh tế tốt.
Tuy nhiên, ông cho rằng thành phố còn đối diện với nhiều khó khăn như tình hình những tháng gần đây về thị trường bất động sản, chứng khoán... "Rất nhiều việc phải làm, nhưng TP HCM nên chọn những việc trọng tâm, trọng điểm làm trước, như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công", ông nói.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng cùng lãnh đạo thành phố đã kiểm tra hai dự án đầu tư công là nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50 và xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Ông đề nghị TP HCM đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giải phóng mặt bằng, và nêu rõ thẩm quyền xử lý các vướng mắc, không để kéo dài.
Theo Thu Hằng (VnExpress)
Các tin khác