TP.HCM: Giá đất bị “đẩy” tăng vọt tại huyện Bình Chánh vì thông tin lên quận

TP.HCM: Giá đất bị “đẩy” tăng vọt tại huyện Bình Chánh vì thông tin lên quận

Trang chủ » Tin tức » TP.HCM: Giá đất bị “đẩy” tăng vọt tại huyện Bình Chánh vì thông tin lên quận

Để đưa huyện Bình Chánh lên quận hay thành phố thì hiện nay cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng giá đất tại đây đã được "thổi" lên cao...

Đô thị hoá diễn ra nhanh trên địa bàn huyện Bình Chánh khi có hàng trăm dự án đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Cùng với dân số tăng cơ học luôn ở mức cao, trung bình 30.000 người/năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng này.

Khu vực huyện Bình Chánh, TP.HCM.

CỬA NGÕ TÂY NAM CỦA TP. HCM

UBND huyện Bình Chánh đã phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM tổ chức hội thảo "Tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040” vào ngày 21/11/2021.

Huyện Bình Chánh nằm tại cửa ngõ phía Tây Nam, là đầu mối giao thông nối liền TP.HCM với các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều tuyến giao thông quan trọng, hàng loạt khu công nghiệp, khu xử lý chất thải…

Cụ thể, quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 10 nối liền với khu công nghiệp Đức Hoà, Long An; đường Nguyễn Văn Linh nối từ quốc lộ 1A đến quận 7; đường Võ văn Kiệt nối từ quốc lộ 1A qua sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai. Ngoài ra quốc lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Đô thị hoá diễn ra nhanh trên địa bàn huyện khi có hàng trăm dự án đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Cùng với dân số tăng cơ học luôn ở mức cao, trung bình 30.000 người/năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng này.

Hiện diện tích đất nông nghiệp vẫn còn lớn, chiếm hơn 58% diện tích đất tự nhiên ảnh hưởng lớn đến đời sống và nhu cầu thực tế.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư huyện ủy Bình Chánh, TP.HCM cho biết, đồ án quy hoạch của huyện thực hiện từ năm 2012 đến nay đã lạc hậu, không còn phù hợp. Trong đó, quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và quy hoạch xây dựng nông thôn còn nhiều phức tạp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện xác định mục tiêu chuyển huyện thành quận, dự kiến giai đoạn 2021-2030.

Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, quy hoạch Bình Chánh đến năm 2025 có khoảng 858.000 dân, cần phải tính toán xem có bao nhiêu trường học, bệnh viện, bao nhiêu km đường giao thông, các công trình công cộng… Việc chuyển đổi từ huyện lên quận cần có thời gian dài để chuẩn bị, vì hạ tầng, quy hoạch của huyện Bình Chánh vẫn chưa đảm bảo.

“UBND huyện cần phải có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn và công khai cho người dân nắm bắt. Việc đưa thông tin quy hoạch huyện lên quận sẽ gây ra tâm lý người dân, giới đầu tư tìm cách tăng giá đất. Tại xã Bình Lợi, đất nông nghiệp chỉ 02 tỷ đồng/công (1.000m2), sau khi báo chí đăng về kế hoạch của UBND huyện, giá đất tăng chóng mặt. Từ đó gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường để làm các công trình công cộng, phúc lợi xã hội”, ông Quân nói.

CẦN GỠ QUY HOẠCH CHỒNG CHÉO

Ông Trần Văn Nam cho biết thêm, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trước đó còn chồng chéo lẫn nhau, chưa đảm bảo tính đồng bộ trong công tác quy hoạch, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, phát triển đô thị.

Tình hình phát triển nhà ở trong dự án, nhà ở riêng lẻ tập trung nhiều về các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và xã Bình Hưng, dẫn đến dân số phân bổ không đồng đều giữa các khu vực.

Trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được UBND huyện triển khai và đã được UBND TP.HCM cho phép nghiên cứu với một số định hướng.

Cụ thể: Bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp chuyên ngành, quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển vận tải đa phương thức, ngành logistics, phát huy lợi thế vị trí cửa ngõ phía Tây - Nam. Bình Chánh cũng dự kiến chuyển đổi khoảng 5.027ha, chiếm khoảng 52,98% diện tích chuyển đổi đất quy hoạch chức năng nông nghiệp…

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phép chỉ giữ lại 15.000ha đất trồng lúa. Tùy vào thực tế cho phép sử dụng loại hình nông nghiệp phù hợp. UBND huyện cần xem đó là lợi thế để phát triển địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng để kinh tế huyện Bình Chánh phát triển nhanh cần phải kết nối với TP. Thủ Đức. Cần giải quyết tốt 78% đất đã quy hoạch làm khu công nghiệp. Hiện Bình Chánh còn 05 tiêu chí chưa đạt chỉ tiêu như năng suất lao động, diện tích nhà ở, đất giao thông đô thị, đất cây xanh, như vậy không thể được công nhận là đô thị.

Thời gian tới, Bình Chánh sẽ là đầu mối giao thông và logistics, kho bãi không chỉ cho TP.HCM mà còn cả vùng Tây Nam bộ. Do đó, quy hoạch lần này huyện phải đảm bảo các tiêu chí ở trên.

"Mục tiêu của huyện Bình Chánh nên định hướng trở thành thành phố công nghiệp và thông minh, thành phố số, không khí thải; phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ về y tế chất lượng cao, dịch vụ vui chơi giải trí cho cả TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ…", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo Ban Mai (VnEconomy)

 

Các tin khác