TP.HCM: nghịch lý thiếu nhà ở xã hội, thừa nhà tái định cư

TP.HCM: nghịch lý thiếu nhà ở xã hội, thừa nhà tái định cư

Trang chủ » Tin tức » TP.HCM: nghịch lý thiếu nhà ở xã hội, thừa nhà tái định cư

UBND TP.HCM mới đây liên tục phát đi thông báo bán đấu giá hàng ngàn lô đất nền và nhà tái định cư tại quận 2, quận 9, Bình Tân vì những dự án này xây từ lâu nhưng lại không có người ở. Trong khi đó, Sở Xây dựng lại có thông báo cho thấy Thành phố đang thiếu nghiêm trọng nhà ở xã hội.

Còn hàng chục ngàn hộ dân đang trông ngóng nhà ở xã hội. Ảnh: Lê Toàn

 

 

Thừa và thiếu

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM đang thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, quận 9 và quận 2. Với số lượng căn hộ tái định cư thừa quá lớn và nhiều năm xây dựng nhưng không có người ở nên đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, UBND TP.HCM quyết định bán đấu giá, chuyển từ dự án tái định cư thành dự án thương mại.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thông tin cụ thể hơn, đó hiện Thành phố dư thừa 14.000 căn hộ, 5.000 nền đất. Trong đó, khu tái định cư Bình Khánh, quận 2 là nơi có số lượng nhà tái định cư lớn nhất với 12.500 căn hộ, được xây trên tổng diện tích 38,4ha. Đặc biệt, để xây dựng khu đô thị này, đã có 10.000 hộ dân trên địa bàn 5 phường của quận 2 là An Khánh, Bình Khánh, Bình An Thủ Thiêm, An Lợi Đông phải di dời để lấy mặt bằng. Trong đó, toàn bộ các hộ dân tại phường An Khánh và Thủ Thiêm gần như bị giải tỏa trắng.

Để thực hiện được khu đô thị tái định cư này, Thành phố đã triển khai theo hình thức Nhà nước huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện, sau đó thanh toán bằng cơ chế trả quỹ đất ở khu vực khác cho chủ đầu tư.

Sau đó, đã có những doanh nghiệp như Tiến Phước, Trần Thái, Thuần Việt, Đức Khải, Keppel Land… thực hiện các hạng mục dự án. Thế nhưng, sau khi xây xong và bàn giao cho Thành phố từ năm 2014 thì gần như toàn bộ khu tái định cư không bóng người ở, tạo ra cảnh hoang tàn nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong khi nhà tái định cư đang dư thừa thì trong cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 của UBND TP.HCM diễn ra tháng 12/2017, đại diện chính quyền TP.HCM vẫn cho biết, hiện Thành phố đang thiếu lượng lớn nhà ở cho dự án di dời 20.000 căn nhà ven kênh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng vừa đưa ra thông báo về tình hình bất động sản TP.HCM năm 2017, trong đó có đề cập đến vấn đề này. HoREA dẫn con số của Sở Xây dựng cho biết năm 2017, Thành phố vẫn còn gần 480.000 hộ gia đình thiếu nhà ở. Số liệu này được Sở khảo sát thực trạng nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Cụ thể, hiện có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó, khoảng 20.000 hộ gia đình là cán bộ công chức, khoảng 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, Thành phố còn có khoảng 300.000 hộ gia đình, tương ứng với hơn 1,2 triệu người nhập cư có nhu cầu thuê nhà ở xã hội và 143.000 hộ gia đình thu nhập thấp.

Đặc biệt, dù nhu cầu nhà ở giá rẻ lớn nhưng trong năm 2017, trên địa bàn Thành phố lại chỉ xuất hiện 1 dự án nhà ở giá rẻ do chủ đầu tư Nam Long triển khai. Trong 3 tháng đầu năm 2018 vẫn chưa xuất hiện được dự án nhà ở giá rẻ nào.

Dự án 12.500 căn nhà ở tái định cư quận 2 đang xuống cấp nghiêm trọng vì không có người ở. Ảnh: Gia Huy

 

 

Trong khi đó, mới đây, UBND TP.HCM lại phát đi thông báo năm 2018 sẽ bán đấu giá số lượng 5.000 nhà ở và đất nền tái định cư cho doanh nghiệp, để các nhà đầu tư chuyển đổi thành nhà ở thương mại. Trước đó, năm 2017, Thành phố cũng đã bán đấu giá hơn 1.000 nền đất tái định cư tại quận 9 cho doanh nghiệp bán theo hình thức đất thương mại.

Thừa do… khách quan

Giải thích về việc thừa nhà ở tái định cư tại TP.HCM hiện nay, ông Trần Trọng Tuấn cho biết, đó là do nhiều điều kiện khách quan tác động.

“Trong giai đoạn từ năm 1998 tới năm 2007, TP.HCM thực hiện xây dựng dự án tái định cư theo Nghị định 22 của Chính phủ. Trong đó, khi giải tỏa, Nhà nước đền bù theo khung giá quy định hoặc bố trí một căn hộ mới và đa phần người dân chọn nhận nhà đền bù, vì thời điểm đó bất động sản đang được đẩy lên cao, giao dịch sản phẩm căn hộ luôn sôi động, chỉ cần có căn hộ bán lại là có lời lớn. Chính vì vậy, căn hộ tái định cư thiếu nghiêm trọng. Trong khi dự án mới của TP.HCM đang nhiều, nhưng vốn thực hiện lại thiếu.

Để thực hiện các dự án như giao thông, giáo dục, y tế…, TP.HCM buộc phải kêu gọi doanh nghiệp vào thực hiện. Lượng người dân bị giải tỏa tiếp tục tăng cao, chính vì vậy UBND Thành phố quyết định đầu tư khu dân cư Vĩnh Lộc B để phục vụ người dân di dời tại dự án cải tạo kênh Ba Bò, xây dựng thêm khu tái định cư Thủ Thiêm để di dời người dân cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nhưng bắt đầu từ năm 2008 đến năm 2012, thị trường suy thoái nghiêm trọng, cùng với việc chính sách áp dụng cho đền bù giải tỏa thay đổi bằng việc đền bù, giải tỏa phải bồi thường theo giá thị trường. Vậy là người dân quyết định thay đổi, không nhận nhà tái định cư mà nhận tiền bồi thường, dẫn tới việc thừa số lượng lớn nhà tái định cư”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, đó là chuyện cũ, và trong bối cảnh hiện nay Thành phố sẽ phải thay đổi hướng tiếp cận sản phẩm nhà tái định cư. Theo đó, về hướng giải quyết hơn 14.000 căn hộ, nền đất đang thừa, ông Tuấn cho biết trong năm 2018 kế hoạch mà UBND Thành phố dự kiến là sẽ dùng 8.524 căn hộ và nền đất tiếp tục bố trí tái định cư cho các dự án sắp tới.

Ngoài ra, 1.000 căn hộ ở Vĩnh Lộc B để dành bố trí cho người dân bị thiên tai, sạt lở đất, bão…, số ít chuyển sang nhà ở xã hội. Hiện tại, TP.HCM cũng đã được Chính phủ chấp thuận cho đấu giá 5.222 căn hộ, nền đất bán sang loại hình nhà ở thương mại. Đồng thời, cho đề xuất tổ chức đấu giá bổ sung 184 căn hộ không còn nhu cầu sử dụng.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Đầu tư Bất động sản về việc tại sao không chuyển những căn hộ, nền đất tái định cư bán theo hình thức nhà ở xã hội, khi Thành phố đang thiếu nghiêm trọng dự án nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp, ông Tuấn cho biết, trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2017 – 2020, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 39 dự án bất động sản bình dân với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng thêm 30.000 căn nhà ở giá rẻ.

Theo Gia Phú 
Báo Đầu tư Bất động sản

Các tin khác