Các sở, ngành của TPHCM sẽ kiểm tra hàng loạt dự án nhà ở, đặc biệt là nhà cao cấp, nếu vi phạm kiên quyết xử lý hoặc thu hồi. Đồng thời, công khai các dự án cầm cố ngân hàng cho người dân và khách hàng biết.
Mới đây, UBND TPHCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã được giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp.
Theo đó, đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết báo cáo UBND TPHCM thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM kiểm soát chặt nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài để ngăn chặn rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế, thanh toán giao dịch bất động sản bằng tiền mặt.
Ngoài ra, thành phố sẽ rà soát các dự án thế chấp ngân hàng, chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm cấp sổ đỏ (sổ hồng) cho người dân.
Trong khi đó, Sở Xây dựng được giao theo dõi và kịp thời bình ổn thị trường, tránh xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản. Sở Xây dựng phải tăng cường xử lý các vi phạm về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.
Riêng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM được chỉ đạo giám sát chặt tình hình cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, có chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về mua nhà của người dân, hạn chế cho vay đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ lĩnh vực này. Theo lãnh đạo thành phố, việc tăng cường kiểm tra việc cho vay với các dự án bất động sản quy mô lớn, nhất là dự án cao cấp đóng vai trò hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả thị trường bất động sản.
Các chỉ đạo của UBND TP HCM được ban hành trong bối cảnh nhiều tổ chức khảo sát thị trường cảnh báo về tình hình lệch pha cung cầu, thừa nhà cao cấp, thiếu hụt nhà giá rẻ trên địa bàn. Cụ thể, trong báo cáo về thị trường mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường tiếp tục bị thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Đặc biệt là rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự “lệch pha” sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Việc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững.
Với tình hình này, hiệp hội đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, dù lợi nhuận thấp nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro. Qua đó, doanh nghiệp góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.
Ngoài ra hiệp hội còn mong muốn doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để kiểm soát giá nhà, không để tình trạng giá nhà tăng nóng, tăng ảo xảy ra trong năm 2021. Điều này nên thực hiện trên cơ sở xác định "lợi nhuận kỳ vọng" ở mức hợp lý, để "chia sẻ" hiệu quả đầu tư với khách hàng và cộng đồng xã hội. Đồng thời, luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với khách hàng và nhà đầu tư khi huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, hoặc huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cam kết trả lợi nhuận trong kinh doanh (ví dụ đối với sản phẩm condotel)...
Theo V.Dũng (thesaigontime)
Các tin khác