Khi phát triển dự án hạ tầng mới, TPHCM sẽ thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng, diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại để bán đấu giá, phần kinh phí thu được từ đấu giá sẽ dùng để đầu tư cho chính dự án đó.
Đây là nội dung đáng chú ý trong đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả mới được chính quyền TPHCM phê duyệt.
Đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường khi xây dựng phải giải tỏa mặt bằng rất lớn tại TPHCM - Ảnh: Anh Quân
Theo đề án được phê duyệt, người dân có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng sẽ được tái định cư tại chỗ. Sau khi bố trí tái định cư cho người dân, phần diện tích đất dôi dư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án hạ tầng đó.
Khi làm dự án, các phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của người dân bị ảnh hưởng. Trường hợp có khoảng 2/3 số người dân bị ảnh hưởng đồng ý với phương án bồi thường thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với số ít người dân không đồng ý thì phải lựa chọn phương án nhà nước đưa ra hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.
Phương án thu hồi thêm đất hai bên đường để bán đấu giá nhằm lấy tiền làm hạ tầng đã được nhiều chuyên gia đề xuất bởi vì hiện nay khi Nhà nước mở đường mới hoặc mở rộng đường cũ thì giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước.
Đối với người bị thu hồi đất làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường, trong khi những người không bị giải phóng mặt bằng khi đường mở rộng lại được hưởng lợi lớn từ việc giá đất tăng mà không phải đóng một khoản thuế, phí nào. Còn Nhà nước khi bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng lại không có cơ chế để thu lại khoản chênh lệch rất lớn này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hiện nay, cùng một vị trí giải tỏa nếu doanh nghiệp bồi thường để làm dự án bất động sản thì thường bồi thường giá cao, còn Nhà nước thu hồi để làm các dự án công cộng, giá bồi thường khá thấp.
Nếu tiến hành bồi thường cho tất cả dự án (cả dự án công và dự án tư) với một giá như nhau, sau đó đấu giá theo giá thị trường. Phần chênh lệch địa tô 100% sẽ được nộp vào ngân sách, như vậy môi trường kinh doanh bất động sản sẽ minh bạch hơn, người dân bị giải tỏa trong các dự án công ích sẽ bớt bị thiệt thòi hơn.
Khi mở đường, nếu làm tốt việc đấu giá quỹ đất hai bên đường không chỉ giúp Nhà nước tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng một cách công bằng, thỏa đáng cho người dân, mà còn giúp Nhà nước thu được khoản chênh lệch địa tô lớn.
Lê Anh (thesaigontimes)
Các tin khác