TP.HCM sẽ xây 3 khu nhà lưu trú cho công nhân quy mô 82.000 người

TP.HCM sẽ xây 3 khu nhà lưu trú cho công nhân quy mô 82.000 người

Trang chủ » Tin tức » TP.HCM sẽ xây 3 khu nhà lưu trú cho công nhân quy mô 82.000 người

TP. Thủ Đức đã rà soát và dự kiến quy hoạch xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân tại 03 vị trí trong khu công nghệ cao cho gần 82.000 người lưu trú…

Tại hội nghị (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thủ Đức lần thứ 3, khóa I, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức, cho biết hiện trên địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, do đó, nhu cầu nhà ở của người lao động rất lớn. Qua đợt dịch bệnh đã bộc lộ rõ bất cập ở các khu nhà trọ, với không gian chật hẹp, dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

“Đây là một nội dung mà TP. Thủ Đức sẽ tập trung khắc phục, bằng việc triển khai nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, để đảm bảo phát triển kinh tế cũng như nâng cao, cải thiện đời sống người dân”, ông Hiếu nói.

Khu nhà ở xã hội Becamex tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, là nơi lưu trú cho nhiều công nhân.

Về vấn đề nhà ở, TP. Thủ Đức tổng hợp nhu cầu mua nhà ở xã hội của các đơn vị công tác trên địa bàn thành phố, ghi nhận có gần 5.600 trường hợp cần mua, thuê nhà ở xã hội.

Từ nhu cầu này, TP. Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trước mắt, ở Thủ Đức hiện có 20 dự án thương mại chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, trong đó 06/20 dự án đã hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng, đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

TP. Thủ Đức cũng đã rà soát và dự kiến quy hoạch xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân tại 03 vị trí trong khu công nghệ cao.

Vị trí 01 là khu đất rộng hơn 3ha tiếp giáp khu công nghệ cao tại phường Long Thạnh Mỹ, số người dự kiến lưu trú khoảng 5.000 người.

Vị trí 02 là khu đất rộng quy mô 42,39ha, thuộc dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia, đáp ứng được gần 42.000 người lưu trú.

Vị trí 03 là khu đất rộng 45,5ha, thuộc dự án xây dựng và phát triển Khu Công viên Sài Gòn Silicon, đáp ứng cho 34.624 công nhân lưu trú.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể tạo điều kiện để TP. Thủ Đức phát triển bền vững và khai thác tối đa tiềm năng, tạo động lực phát triển cho địa phương và TP.HCM nói chung.

Đó là chấp thuận cho TP. Thủ Đức được thí điểm thực hiện các đề án mang tính đột phá, thành lập 04 trung tâm chức năng để thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Đồng thời, UBND TP.HCM sớm ban hành quyết định phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Đức (trên các lĩnh vực ngân sách, đầu tư, đất đai, quản lý đô thị…), trên cơ sở mạnh mẽ giao quyền và phân bổ nguồn lực để thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền.

Trước kiến nghị của UBND TP. Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan sớm tham mưu UBND TP.HCM về cơ chế, chính sách phân cấp, giao việc để TP. Thủ Đức chủ động.

“Quan điểm là việc gì TP. Thủ Đức làm tốt hơn TP.HCM, nhanh hơn, hiệu quả hơn thì giao. Luật đã định rồi thì giao luôn, chưa có thì thí điểm. TP. Thủ Đức dám nhận thì TP.HCM dám giao”, ông Nên nhấn mạnh.

Về việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, nhà lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng lúc này cần tính toán lại bộ mặt đô thị, yêu cầu các chủ nhà trọ khi xây dựng phải thực hiện theo đúng quy cách, trước hết là phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, kể cả công tác phòng cháy chữa cháy.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết theo chương trình phát triển nhà ở kế hoạch nhiệm kỳ 2021-2025, TP.HCM sẽ xây dựng 50 triệu m2 nhà ở với 366.000 căn nhà. Trong đó, gần 30.000 nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn.

Sở Xây dựng thành phố cũng đang trình đề án xây dựng nhà ở xã hội, từ đó cho thuê - thuê mua. Đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp để thuê ở.

Số liệu khảo sát về tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân của Sở Xây dựng cho thấy, trên địa bàn TP.HCM có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê là 1.699.000 người, trong đó, có 886.000 công nhân.

Về nhà trên kênh rạch, đến nay, TP.HCM đã giải tỏa trên 2.000 căn, hiện còn 20.000 căn. Thành phố đã có cơ chế chính sách để kêu gọi và hợp tác đầu tư nhằm nâng cấp, cải thiện môi trường sống cho dân.

Về chương trình chỉnh trang chung cư cũ, Sở đang tham mưu cho thành phố lên kế hoạch hoàn tất, có hướng dẫn tạo điều kiện về cơ chế chính sách thông thoáng hơn cho nhà đầu tư xây dựng lại chung cư cũ.

Theo Ban Mai (VnEconomy)

Các tin khác