TPHCM áp dụng tin học hóa việc tính giá đất theo bảng giá đất nhằm tăng tính khách quan, bắt đầu cho thử nghiệm giải pháp lựa chọn các thửa đất chuẩn, định giá hàng năm... đồng thời, thống nhất một quy trình khi giao dự án đất công xen cài.
UBND TPHCM vừa thông tin về việc ban hành Quyết định 539/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM”.
TPHCM hướng đến việc số hóa việc tính giá đất theo bảng giá đất. Ảnh minh họa: V.Dũng
Theo đó, về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm năm của thành phố. Theo đó, tập trung vào vùng nông thôn trên nguyên tắc phân vùng không gian, sao cho đồng bộ với quá trình xây dựng bản quy hoạch tích hợp tổng thể phát triển thành phố do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; kế hoạch sử dụng đất còn là căn cứ để đảm bảo tính không gian trong quy hoạch tích hợp.
UBND TPHCM tổ chức thẩm định đồng thời cả kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch tích hợp tổng thể phát triển trình HĐND thông qua và trình Chính phủ phê duyệt.
Về tài chính đất đai, TPHCM hướng đến việc tin học hóa cách tính giá đất theo bảng giá đất nhằm bảo đảm tính khách quan, bắt đầu cho thử nghiệm giải pháp lựa chọn các thửa đất chuẩn, định giá hàng năm để thiết lập bản đồ giá trị đất đai phục vụ sửa đổi Luật Đất đai trong vài năm tới. Xác định hệ số trong phương pháp định giá đất dựa trên hệ số điều chỉnh phải được quy định cụ thể. Trong đó, cách xác định hệ số dựa trên định giá đất cụ thể cho một hoặc vài thửa đất và so với giá đất tính theo bảng giá đất, không quyết định hệ số theo chủ quan người có thẩm quyền.
Đồng thời, sử dụng biện pháp đồng thuận theo đa số cộng đồng người bị thu hồi đất với phương án tái định cư tại chỗ trong trường hợp xây dựng mới, mở rộng đường giao thông có thu hồi diện tích đất kề bên hạ tầng. Đối với trường hợp thu hồi đất để giao đất cho các dự án đầu tư, cần tiến hành định giá đất khi có quy hoạch được phê duyệt, không chấp nhận giá đất tăng lên để tính giá bồi thường, hỗ trợ kể từ khi dự án được triển khai.
Về quản lý tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý, TPHCM thành lập một đoàn liên ngành do một vị lãnh đạo thành phố đứng đầu và hai vị lãnh đạo của Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường làm thường trực. Đoàn liên ngành thực hiện tổng rà soát việc sử dụng tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý theo định kỳ 5 năm trên phạm vi thành phố để đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp trái pháp luật, không hợp lý và đề xuất phương án sắp xếp lại.
Từ đó, UBND TPHCM xem xét để trình HĐND thông qua rồi trình Thủ tướng phê chuẩn làm căn cứ để giải quyết đối với các công sản do các tổ chức của thành phố và Trung ương nắm giữ.
Đối với việc giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư mà có nhà, đất do Nhà nước quản lý xen cài (bao gồm cả đất do Nhà nước quản lý ở dạng lối đi chung, kênh rạch nhỏ, nông nghiệp và nhà, đất đang có đơn vị Nhà nước quản lý, sử dụng) thì thực hiện thống nhất một quy trình. Đối với trường hợp nhà đầu tư dự án nhận chuyển nhượng rộng hơn, nhằm trả lại Nhà nước một diện tích đất tương ứng với giá trị tài sản công xen cài sẽ được sử dụng cho dự án.
Để tạo lập hệ thống thông tin đất đai, công cụ phục vụ cho hành chính về đất đai, TPHCM lựa chọn phần mềm quản lý thông tin đất đai đủ năng lực, có thể chủ động nâng cấp và không bị phụ thuộc vào bên cung cấp phần mềm; lựa chọn cách thức phù hợp để chuyển từ trạng thái quản lý thủ công sang quản lý bằng tin học.
Đồng thời, số hóa và chuẩn hóa dữ liệu theo quy chuẩn quốc gia, bảo đảm hệ thống dữ liệu được thiết kế mở để có thể tiếp nhận các công nghệ mới trong tương lai. Tổ chức được hệ thống cung cấp dịch vụ thông tin đất đai cho nhiều đối tượng sử dụng đất khác nhau như doanh nghiệp thông tin, doanh nghiệp khác, tổ chức sự nghiệp, người dân.
Theo V. Dũng (Thesaigontimes)
Các tin khác