TPHCM: Tuyến metro số 5 được đầu tư PPP thay vì ODA

TPHCM: Tuyến metro số 5 được đầu tư PPP thay vì ODA

Trang chủ » Tin tức » TPHCM: Tuyến metro số 5 được đầu tư PPP thay vì ODA

Tuyến metro số 5 – giai đoạn 2 (từ Ngã tư Bảy Hiền đến Bến xe Cần Giuộc mới) sẽ được chuyển hình thức đầu tư từ vay vốn hỗ trợ phát triển (ODA) sang đối tác công- tư (PPP), theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (Maur).

TPHCM đang nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 5- giai đoạn 2 (từ Ngã tư Bảy Hiền đến Bến xe Cần Giuộc mới) dự án này ban đầu được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan nên hình thức đầu tư vay vốn ODA không thể thực hiện được.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được xây dựng bằng vốn vay ODA của Nhật Bản - Ảnh: Anh Quân

Trong một diễn biến mới nhất hôm 5-2, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim Bank) đã có thư chính thức gửi Chủ tịch UBND TPHCM và Ban quản lý Đường sắt đô thị, đề nghị cho phép tiếp cận nghiên cứu đầu tư dự án tuyến metro số 5-giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới) theo hình thức đối tác công- tư (PPP).

Theo nội dung bức thư, phía Ngân hàng Kexim sẽ sớm cấp vốn cho việc cập nhật nghiên cứu tiền khả thi, chuyển đổi từ hình thức đầu tư ODA sang hình thức đối tác công-tư (PPP). Việc nghiên cứu được triển khai trên 3 khía cạnh là kỹ thuật, tài chính và pháp lý để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Trước đó, vào giữa tháng 1-2021, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã có buổi làm việc với nhóm các nhà đầu tư và các công ty tư vấn đến từ Hàn Quốc để trao đổi về việc nghiên cứu cũng như định hướng các công việc liên quan.

Tại buổi làm việc, phía Hàn Quốc, gồm Ngân hàng Kexim; Tập đoàn Lotte; Tập đoàn Hyundai; Công ty PWC Samil (tư vấn tài chính); Công ty Dohwa Engineering (tư vấn kỹ thuật), và Sejong và Shearman & Sterling (tư vấn pháp lý)… đã trình bày kế hoạch cập nhật báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến sẽ trình nộp báo cáo cuối cùng vào cuối năm 2021. Các thành viên của nhóm nghiên cứu cũng như các nhà đầu tư tham gia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến metro số 9 của Seoul, được thực hiện theo mô hình PPP.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, TPHCM sẽ xây dựng 8 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ đô la Mỹ.

Đến nay tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, vận hành thương mại vào năm 2022. Tuyến số 2 (Bến Thành- Tham Lương) hiện đang giải phóng mặt bằng, năm 2022 sẽ lựa chọn nhà thầu để khởi công.

Đối với tuyến metro số 5-giai đoạn 1 (từ Ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn) dự kiến hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào qúi 4-2021. Tuyến số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) đang thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ nay đến năm 2022.

Tất cả các dự án này đều đang thực hiện bằng vốn vay ODA của nhiều nước khác nhau. Khi Việt Nam chính thức vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn vốn vay ODA ưu đãi sẽ giảm dần. Vì vậy, việc chuyển sang nghiên cứu các dự án metro theo hình thức PPP được kỳ vọng sẽ tìm ra hướng đi mới cho việc xây dựng các tuyến metro ở TPHCM.

Theo Lê Anh (thesaigontimes)

Các tin khác