Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa đề xuất bỏ quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bảo lãnh là một dạng bảo hiểm trong mua bán bất động sản nên không bỏ được.
Đề xuất bỏ bảo lãnh bán nhà 'trên giấy'
Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng và Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, trong đó liên quan đến bảo lãnh với nghĩa vụ bàn giao của chủ đầu tư khi bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tại khoản 1, Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản quy định: “Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.
Theo VNREA, mức bảo lãnh đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai lên tới 100% giá bán nhà/căn hộ và thư bảo lãnh phát sinh hiệu lực cùng lúc dẫn đến tổng giá trị bảo lãnh của một dự án là rất lớn. Đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng thời điểm thì việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.
VNREA đề xuất bỏ quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Để cấp bảo lãnh thì ngân hàng thương mại sẽ yêu cầu phải có tài sản bảo đảm. Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư chỉ được phép dùng tài sản hình thành trong tương lai của dự án để đảm bảo cho nghĩa vụ hoàn trả khoản vay cho chính dự án đó nên không được dùng tài sản của dự án này để đi đảm bảo cho nghĩa vụ khác.
Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm chính là các căn hộ/nhà ở thuộc dự án sẽ giảm dần do cần phải giải chấp ra để bán cho người mua.
Luật Đầu tư cũng quy định chủ đầu tư phải ký quỹ để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, việc hoàn thành đúng tiến độ xây dựng để bàn giao đã bao gồm trong nghĩa vụ này. Nay lại thêm yêu cầu về bảo lãnh khiến cho chủ đầu tư phải chịu quá nhiều nghĩa vụ chồng chéo và chi phí đầu tư tăng lên đáng kể mà người phải gánh chịu các chi phí này là chủ đầu tư và người mua.
Doanh nghiệp đề xuất có thể thực hiện bằng cách tiền mua nhà thực hiện bằng chuyển khoản gửi tất cả vào ngân hàng và chỉ giải ngân theo tiến độ dự án. Đây sẽ là điều ràng buộc để doanh nghiệp không thể lấy tiền của khách hàng đi dùng vào mục đích khác, dự án khác.
Do đó, VNREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có thể để doanh nghiệp và khách hàng tự thỏa thuận về nội dung này.
Hoặc bỏ quy định bảo lãnh và thay vào đó một quy định khác mà chủ đầu tư có thể thực hiện trong thực tiễn áp dụng; bổ sung các tiêu chí, điều kiện phân loại/xếp hạng uy tín/độ tín nhiệm của chủ đầu tư và các chủ đầu tư có xếp hạng uy tín/tín nhiệm cao sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Đẩy rủi ro cho người mua nhà
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, mức bảo lãnh đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai lên tới 100% là đương nhiên. “Tôi bỏ ra 10 tỷ đồng mua nhà, ngân hàng chỉ bảo lãnh 5 tỷ đồng thì 5 tỷ đồng kia của tôi sẽ ra sao, ai chịu trách nhiệm?”, luật sư Tú nói.
Nhiều chuyên gia lo ngại nếu bỏ quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai người mua nhà đứng trước rủi ro lớn vì thời gian qua dù có quy định bảo lãnh nhưng nhiều dự án triển khai hàng chục năm vẫn chưa thể bàn giao được nhà cho khách hàng.
Theo luật sư Tú, trên thực tế, đã xảy ra rất nhiều trường hợp người mua nhà đã đóng tiền lên đến 95% nhưng có những dự án hàng chục năm qua, người bán vẫn chưa thể bàn giao được nhà. Trước rủi ro của người mua nhà trong thời gian vừa qua, Nhà nước phải có yêu cầu bắt buộc việc bảo lãnh.
“Có hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của người dân đã bị mất oan. Bảo lãnh chính là một dạng bảo hiểm cho giao dịch tài sản đó. Lợi ích của chủ đầu tư lớn như thế, tại sao cứ đẩy khó khăn, đẩy giá thành vào người mua?”, ông Tú nói.
Liên quan đến đề xuất gỡ bỏ chồng chéo giữa ký quỹ và bảo lãnh, luật sư Tú cho rằng, đây là hai quan hệ pháp luật khác nhau, nên không thể nói là chồng chéo được. Ký quỹ là ràng buộc giữa Nhà nước và chủ đầu tư, còn bảo lãnh là trách nhiệm của người bán và người mua. Như vậy, bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai là điều kiện quan trọng để đảm bảo an toàn cho người mua.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia về luật cho rằng phải có yêu cầu bắt buộc việc bảo lãnh mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. "Quy định bảo lãnh ngân hàng cho các dự án nhà giúp phòng tránh rủi ro cho người mua nhà khi quyền lợi tài chính được bảo vệ bởi đơn vị thứ 3. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gắt gao như hiện nay, quy định này cũng là công cụ góp phần sàng lọc các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án", vị này nói.
Theo Ninh Phan (Tiền Phong)
Các tin khác