Quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 13-14 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 khoảng 16 triệu người), trong đó bao gồm TP Thủ Đức khoảng 1,9 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 3 triệu người), khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người. Quy mô đất đai dự kiến phát triển đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000 ha.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM vừa trình UBND Tp.HCM hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Hồ sơ lần này được hoàn chỉnh sau khi lấy ý kiến cộng đồng xã hội, chuyên gia, báo cáo đại biểu HĐND Tp.HCM và tiếp nhận ý kiến các sở, ngành, UBND các quận, huyện và Tp.Thủ Đức.
Theo đó, ranh giới nghiên cứu trực tiếp bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Tp.HCM với diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 khu đô thị biển Cần Giờ. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung TP phải phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng Tp.HCM, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững; vừa bảo đảm tầm nhìn, chiến lược dài hạn vừa định hướng, tạo điều kiện khả thi để thực hiện các giải pháp cho các vấn đề đô thị như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường... một cách quyết liệt, đồng bộ.
Quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 13-14 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 khoảng 16 triệu người), trong đó bao gồm Tp.Thủ Đức khoảng 1,9 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 3 triệu người), khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người. Quy mô đất đai dự kiến phát triển đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000 ha.
Định hướng phát triển cho các khu vực đô thị hiện hữu là phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở. Cùng với đó là đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho từng khu vực như dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…
Đối với khu vực lõi trung tâm văn hóa - lịch sử và các khu vực có giá trị văn hóa - lịch sử... sẽ được quy hoạch để tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng hệ thống không gian mở, cây xanh, các quảng trường chức năng... gắn với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng nhằm gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho Tp.HCM, tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển các khu vực này.
Đối với các khu vực phát triển mới cần đề xuất ý tưởng, các mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị. Đặc biệt là khu vực phía Đông TP gắn kết với định hướng quy hoạch chung Tp.Thủ Đức được lập đồng thời.
Đối với các cụm, khu công nghiệp theo hướng tiếp tục di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển; sắp xếp công nghiệp theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường.
Đối với hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là hành lang cảnh quan dọc sông Sài Gòn; các điểm và khu cây xanh trong khu vực nội thành cũ: dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan sông rạch của Tp.HCM gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng như giao thông thủy, điều tiết nước, không gian mở công cộng và tạo dựng bản sắc cảnh quan sông nước đặc trưng.
Đối với các khu vực bảo tồn, đặc biệt bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh; cấm và hạn chế xây dựng trong các khu vực vành đai bảo vệ an toàn sân bay, các khu an ninh, quốc phòng; hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của TP.
Theo Bảo Anh (CafeF)
Các tin khác