[Trực tuyến] 'Kinh tế thời đại dịch: Khi chiến lược thay đổi'

[Trực tuyến] 'Kinh tế thời đại dịch: Khi chiến lược thay đổi'

Trang chủ » Tin tức » [Trực tuyến] 'Kinh tế thời đại dịch: Khi chiến lược thay đổi'

GDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 5,64% - gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ. Thế nhưng, đợt bùng dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đang làm đảo lộn tất cả các dự báo tăng trưởng trước đó. Trí Thức Trẻ sẽ có buổi bàn tròn trực tuyến với các chuyên gia về kinh tế thời đại dịch khi tình hình có thay đổi lớn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái từng đưa ra nhận định: "Đánh giá của tôi mang tính lạc quan đó là khả năng phục hồi nền kinh tế ở Việt Nam trong 2021 rất là cao, từ quý 2/2021 thì kinh tế phục hồi. Đương nhiên với 2 điều kiện, 2 rủi ro kiểm soát tốt, thứ nhất là đại dịch Covid-19 được kiểm soát, vaccine có được ở Việt Nam từ giữa 2021; thứ hai cho dù tỷ lệ thất nghiệp cao, phá sản doanh nghiệp tăng cao dẫn đến tăng nợ xấu, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững".

Hiện tại, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, vaccine đã về đúng giữa năm và sức khỏe hệ thống ngân hàng tốt – 2 điều kiện mà ông Thành nêu ra vẫn gần đủ. Thế nhưng, với các thay đổi lớn về diễn biến kiểm soát dịch bệnh như việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng với TPHCM và 18 tỉnh, thành phố khác ở phía Nam, ông Thành sẽ có đánh giá gì mới về diễn biến vĩ mô cũng như những chính sách cần thay đổi để có thể đem đến những điều tốt nhất cho nền kinh tế?

Trong khi đó, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cũng từng chia sẻ, bên cạnh những tác động nặng nề mà Covid-19 gây ra cho ngành du lịch, thì nhiều xu hướng mới trong ngành cũng nổi lên, được coi là điểm sáng.

Chẳng hạn như xu hướng chuyển dịch sang các loại hình du lịch thiên nhiên, những hoạt động thân thiện hơn với môi trường. Hay việc áp dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, hàng không. Có thể thấy rõ là hệ thống đặt phòng online, các nền tảng công nghệ du lịch nội địa của Việt Nam lên ngôi rất nhanh trong năm 2020.

Bên cạnh đó, ông Kiên cũng dự báo rằng năm 2021, ngành du lịch sẽ phục hồi một cách từ từ, như hình zíc zắc. "Năm 2021, dự báo tăng trưởng ở mức 6-8%. Những tín hiệu tích cực này tạo nền tảng thúc đẩy tiêu dùng du lịch ở tầng lớp trung lưu của Việt Nam. Đây cũng là nhóm khách hàng tiêu dùng du lịch nhiều nhất và thúc đẩy ngành tăng trưởng rất nhanh trong năm sau", Chủ tịch TAB cho biết.

Với tình hình như hiện tại, ngành du lịch Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong nửa đầu năm, và điều gì sẽ xảy ra khi diễn biến dịch bệnh mới đã làm đảo lộn mọi dự đoán trước đó? Vaccine liệu có thể tạo ra một "viên đạn bạc" cho ngành du lịch Việt Nam vào đầu năm 2022 hay phải chờ đợi lâu hơn? Đó là những câu hỏi mà Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh sẽ trả lời trong buổi tọa đàm trực tuyến được tổ chức vào 10h sáng 22/7/2021.

Khách mời thứ 3 của buổi tọa đàm trực tuyến là bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc trung tâm Quan hệ lao động.

Đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp nhận được ban hành quy định về tổ chức hoạt động với phương châm "3 tại chỗ", gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc phương án "một cung đường - 2 địa điểm" - vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Những quy định này sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của doanh nghiệp, cũng như chuỗi cung ứng thời gian tới? Bà Chi sẽ đưa ra góc nhìn rõ hơn về những thách thức, cũng như những thay đổi trong việc ứng phó với đại dịch của doanh nghiệp lần này.

Theo BBT (CafeF)

Các tin khác