Dù là dự án nhà ở xã hội có giá bán cao nhất hiện nay của Hà Nội, nhưng người dân vẫn phải xếp hàng dài vạ vật chờ tới lượt vào nộp hồ sơ mua nhà.
Chờ đợi, vạ vật nộp hồ sơ mua nhà xã hội
Tại sảnh tòa nhà N09B1 khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy - nơi tiếp nhận hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm), ngày nào cũng có người đến từ sáng sớm ghi số thứ tự xếp hàng vào nộp hồ sơ. Ai đến sớm nhất sẽ đứng đầu danh sách. Tình trạng này diễn ra gần một tháng qua khi dự án bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký.
Trước văn phòng công ty, chủ đầu tư dán thông báo rõ thời gian nhận hồ sơ sáng từ 8h15 sáng đến 11h30; chiều từ 13h30 đến 16h30 (tiếp nhận từ 28/3 đến 11/5/2023) không bao gồm thứ 7, chủ nhật và ngày lễ.
Chị Nguyễn Quỳnh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) đến nộp hồ sơ ngày 21/4 cho biết: “Mình có hộ khẩu Hà Nội và đang là viên chức nên phải xin xác nhận thông tin cư trú, thực trạng nhà ở, xác nhận đang đóng bảo hiểm xã hội. Tôi rất lo lắng vì thấy dòng người xếp hàng quá đông và nghe nói có hàng nghìn hồ sơ đã nộp trong khi dự án có hơn 200 căn”.
Cũng tâm trạng lo lắng khi nộp hồ sơ, anh Minh Quân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nộp hồ sơ vất vả như thế này không biết lúc bốc thăm có trúng quyền mua không”.
Còn chị Thu Nga (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi đến nộp hồ sơ phiếu thứ tự là 63 nên đành quay về vì sợ không tới lượt.
Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm). Giá công bố của chủ đầu tư là 19,5 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất với diện tích 69,9 m2 tại dự án này, người mua cần bỏ ra hơn 1,39 tỷ đồng; căn diện tích to nhất 76,8 m2 khoảng 1,5 tỷ đồng. Người trúng sẽ phải trả trước 50 triệu đồng, sau đó thanh toán thêm 6 đợt nữa.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng NHS - đơn vị thực hiện dự án, cho biết, mỗi ngày tiếp nhận 30-40 bộ hồ sơ xin mua nhà. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 400 bộ hồ sơ hợp lệ.
Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội
Tại Hà Nội, 3 năm nay mới có dự án nhà ở xã hội mở bán. Theo Bộ Xây dựng , nhà ở xã hội thiếu bởi nhiều nguyên nhân. Cụ thể, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài đến1 - 2 năm; đối với giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp…
Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT CEO Group cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội đang được quan tâm đẩy mạnh. Nhưng, lãi suất 8,2%/năm nhà ở xã hội cao so với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp. Nếu không thay đổi thể chế điều kiện pháp lý về nhà ở xã hội, nguồn vốn đủ cho người dân vay, huy động các doanh nghiệp lớn tham gia thì khó thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Ông Bình nêu ý kiến, Nhà nước nên tập trung tháo gỡ pháp lý cho bất động sản thương mại vừa túi tiền. Ví dụ, chủ đầu tư cam kết bán bất động sản với giá nào hợp lý “vừa túi tiền” ở các dự án cụ thể. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ tập trung giải quyết pháp lý để dự án sớm hoàn thành đưa sản phẩm ra thị trường. Như vậy sẽ linh hoạt, phù hợp với thị trường mà Nhà nước không phải hỗ trợ nhiều về vốn như nhà ở xã hội.
Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với hơn 1,2 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng mục tiêu khi chỉ đạt 20,2% so với kế hoạch. Báo cáo hồi tháng 1 của Bộ Xây dựng cho thấy trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho người thu nhập thấp vẫn hạn chế.
Theo Ngọc Mai (báo Tiền Phong)
Các tin khác