Các ngân hàng đẩy mạnh thời gian cho khách hàng vay vốn mua nhà, sửa chữa nhà từ 10 năm lên 20 năm và đã có nhà băng cho vay lên 30 - 35 năm.
Trong bối cảnh thu nhập giảm, giá bất động sản tăng cao, việc này giúp khách hàng giảm áp lực trả gốc nợ vay.
Vay mua nhà lên 35 năm
Ông Bùi Thanh (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết tháng 11.2020 đã đặt cọc mua căn hộ Vinhomes Grand Park (Q.9, TP.HCM) với diện tích 60 m2 cho 2 phòng ngủ, giá khoảng 3,2 tỉ đồng. Ông Thanh kể: “Tôi chỉ phải đóng 30% trước, chưa đến 1 tỉ đồng, số tiền còn lại 70% giá trị căn hộ sẽ được Techcombank cho vay. Chủ đầu tư cũng hỗ trợ trả lãi vay cho khoản này trong 2 năm đầu và dự kiến đến tháng 12.2021 khi giao nhà. Kể từ lúc này đến 6 tháng sau, tôi mới bắt đầu trả nợ cho phía ngân hàng (NH)”.
Ngân hàng kéo dài thời gian vay giảm áp lực trả nợ gốc cho khách hàng - ẢNH: NGỌC THẮNG
Theo số liệu từ NH Nhà nước, 1,83 triệu tỉ đồng là tổng dư nợ cho vay tín dụng bất động sản của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 2, chiếm 19,83% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh đạt 651.631 tỉ đồng, tăng 2,82% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Còn lại 1,183 tỉ đồng cho vay tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản, tăng 1,75% so với cuối năm 2020, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. |
Theo hợp đồng ký kết với NH, số tiền vay hơn 2,2 tỉ đồng nhưng do thời gian trả nợ 35 năm nên tiền trả góp hằng tháng hơn 20 triệu đồng. Mức trả nợ NH này theo ông Bùi Thanh: “Không quá áp lực lên cuộc sống hiện nay của tôi. Nếu chờ có đủ 3,2 tỉ đồng mới mua thì lúc đó giá nhà đã lên đến đâu rồi”.
Có thể nói, Techcombank và dự án Vinhomes Grand Park đã “nổ phát súng” đầu tiên trên thị trường về thời hạn cho vay. Sau đó, nhiều nhà băng đã chính thức “nhập đường đua”.
Đơn cử HDBank cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà lên 35 năm, ân hạn gốc lên 1 năm; VIB cho vay mua nhà lên 30 năm, còn xây và sửa chữa tối đa 15 năm; VPBank cho cá nhân vay mua nhà đất thời gian 25 năm, riêng mua căn hộ lên 30 năm; Sacombank cho vay mua nhà lên 25 năm; Vietcombank cho vay lên tối đa 20 năm...
Với thời gian kéo dài từ 30 - 35 năm, nhiều người có trong tay dưới 1 tỉ đồng hoàn toàn có thể tính toán việc sở hữu căn hộ từ khi còn trẻ. Ngoài kéo dài thời gian cho vay, lãi suất cho vay đối với những hợp đồng mới mua nhà của các NH hiện nay cũng ổn định và có xu hướng giảm nhẹ.
Cụ thể, lãi suất cho vay tại HDBank hiện nay từ 6%/năm; mới đây BIDV giảm lãi vay mua nhà 0,6%/năm đối với gói tín dụng 50.000 tỉ đồng, nâng mức giảm lãi xuống 1%/năm so với cuối năm 2020, theo đó lãi vay từ 6,2 - 7,2%/năm; Vietcombank cho vay mua nhà dự án với lãi suất từ 6,79%/năm…
Đường dài, phải tính kỹ
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các giải pháp về vốn cho doanh nghiệp, nhận xét việc NH nới thời gian cho vay dài ra là tốt cho người đi vay. Theo công thức tiền gốc chia đều cho thời gian vay thì mỗi tháng, người vay sẽ trả lại tiền gốc cho NH ít hơn. Còn về phía NH cũng có lợi là dư nợ tín dụng ổn định kéo dài. Cả 2 bên đều có lợi.
Tuy nhiên, từng sinh sống và làm việc tại Mỹ, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Mỹ lãi suất cho vay cố định 30 năm. “Tôi cũng đã vay với mức lãi chỉ 4%/năm ở Mỹ. Còn VN, lãi suất vay sau thời gian ưu đãi sẽ được điều chỉnh theo từng thời kỳ tính trên lãi suất huy động 12 tháng cộng với biên độ từ 3 - 5%/năm. Điều này có nghĩa người đi vay chịu lãi suất biến động trong mấy chục năm sau. Nếu lãi giảm thì còn đỡ, trường hợp tăng cao thì áp lực nhiều, dễ vỡ nợ”, ông Hiếu khuyến cáo và phân tích: Một bất lợi khác cho người mua nhà chung cư vay NH, được chủ đầu tư hỗ trợ trả lãi trong 1 - 2 năm đầu. Đó là phải chọn chủ đầu tư uy tín, nếu không dễ xảy ra kiện cáo. Chủ đầu tư xây dựng dự án trong vòng 2 năm, số tiền gốc mà khách hàng trả 30% coi như được sử dụng mà không phải mất lãi. Nếu sau thời gian chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất vay mà vẫn chưa có nhà để giao cho, khách có phải đứng ra trả nợ vay hay không.
Đây cũng là điều mà nhiều khách hàng băn khoăn. Thực tế trên thị trường, nhiều chủ đầu tư áp dụng chương trình, nếu khách không vay NH, có thể giảm từ 1 - 5% trên tổng giá trị hợp đồng.
Ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay thời gian vay tăng lên làm giảm áp lực trả nợ gốc nhưng người đi vay thường quan tâm đến lãi suất vay, số lãi vay trả hằng tháng vừa phải sao cho đừng quá áp lực. Thời gian cho vay quá dài sẽ nuôi lãi lớn. Còn NH cho vay thời gian dài sẽ phải tính toán cân đối nguồn vốn huy động sao cho phù hợp. Người có tiền gửi tiết kiệm NH thường không chọn gửi kỳ hạn dài nên buộc nhà băng phải tăng lãi suất huy động đối với huy động trung dài hạn. Người đi vay quan tâm yếu tố lãi cho vay nhưng phí phạt trong hợp đồng vay vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, cần phải chú trọng điều này.
“Nhu cầu vay vốn NH để nhanh chóng sở hữu nhà đất, căn hộ chung cư sẽ gia tăng. Bởi các thị trường nóng lên, đặc biệt là chứng khoán thì dòng vốn sẽ dịch chuyển dần sang các tài sản. Lịch sử đã chứng minh, sau khi chốt lời chứng khoán nhiều người sẽ thực hiện hóa đổ vốn vào tài sản mà ở đây là bất động sản”, ông Lê Đạt Chí nói.
Theo Thanh Xuân (thanhnien)
Các tin khác