Ngày 7-4, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã đề xuất Quốc hội hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.
Trong công văn số 24/2020/VNREA gửi Chủ tịch Quốc hội, VNREA cho hay, trong giai đoạn 3 năm vừa qua thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước. Thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác.
VNREA đề xuất Quốc hội nhiều giải pháp gỡ khó cho DN bất động sản. Ảnh minh họa: Vân Ly
Tuy nhiên, bước sang nửa cuối 2019 và đầu năm 2020, thị trường bất động sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Do đó VNREA gửi tới Chủ tịch Quốc hội một số đề xuất, kiến nghị cấp bách liên quan đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Dịch bệnh dẫn tới tình trạng “ảm đạm” của ngành du lịch và khách sạn gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó dịch bệnh cũng làm cho thị trường bất động sản trầm lắng ở phân khúc nhà ở, chung cư…
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ ổn định và tạo đà tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh trong các quý tiếp theo, VNREA đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế.
Đối với giải pháp về tín dụng, cần chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có phương án giảm lãi suất đối với các hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (ví dụ: giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch, 30% cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát); xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp (ví dụ giãn nợ từ 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày dịch bệnh được kiểm soát), có gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với giải pháp về thuế, cần giao Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế.
Bên cạnh đó, VNREA đề nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến về việc miễn visa cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật (Luật Nhà ở), hàng năm nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1 nghìn tỉ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỉ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên thực tế 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như: AZ Thăng Long, Hoàng Quân, Capital House, Eurowindow - Holding… nhưng khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn. VNREA kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.
Thêm nữa hiệp hội trên còn kiến nghị Quốc hội việc cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp bất động sản và người dân. Bởi hiện nay, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.
Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành bất động sản còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập cần được sửa đổi, hoàn thiện nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư, kinh doanh; bảo đảm sự phát triển minh bạch của thị trường; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, VNREA đã tổng hợp những quy định pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, tài chính, kinh doanh bất động sản… còn chưa đầy đủ hoặc mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập đồng thời đề xuất phương án hoàn thiện. VNREA đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Pháp luật nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định này.
Với mong muốn thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng tới hiệu lực quản lý nhà nước, VNREA cũng đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các Uỷ ban và có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan thực hiện một số giải pháp. Tiếp tục rà soát tổng thể thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đầu tư, xây dựng quản lý các dự án như chuẩn bị đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án, đánh giá tác động môi trường… để rõ ràng trong quá trình thực hiện, giảm thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục hành chính tạo sự thông thoáng góp phần thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án…
Theo Vân Ly (thesaigontimes)
Các tin khác